Đối với phụ nữ Êđê, từ xưa chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu giúp họ vận chuyển nhiều loại nông sản, củi, cơm nước bằng cách đeo trên lưng. Ngày nay, cuộc sống hiện đại có sự hỗ trợ của nhiều loại phương tiện khác nhau nhưng ở Đắk Lắk, nhiều phụ nữ Êđê vẫn dùng gùi để vận chuyển hàng hóa. 

chiec_gui_1_phrf.jpg
Chiếc gùi là vật dụng quen thuộc, gắn bó với phụ nữ Êđê khi lên nương rẫy, ra bến nước.

Vài ngày trong tuần, chị H’Bhieo Êban (amí H Nêch), ở buôn Alê B, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột dậy thật sớm để sắp sửa rau quả nhà trồng, mang ra chợ bán. Tuy nhà có xe máy, xe đạp nhưng chị vẫn xếp các loại hàng hóa sẵn vào chiếc gùi mây đeo trên lưng và một ít còn lại vào chiếc rổ tre buộc ra sau xe. Chị H’Bhieo cho biết, từ nhỏ đến lớn, chiếc gùi là vật dụng thân thiết giúp chị vận chuyển các loại hàng hóa, nông sản. Gùi là vật dụng hữu ích, thuận tiện giúp giải phóng đôi tay và dàn đều sức nặng lên đôi vai.

"Từ ngày xưa đến giờ thì chiếc gùi này đã được sử dụng rồi. Ngày xưa thì chiếc gùi được dùng vào nhiều việc hơn, như gùi củi, gùi nước. Ngày nay thì không còn phải đi lấy nước ở bến nước nhiều nữa, củi cũng ít dùng. Ngày nay chủ yếu dùng gùi để gùi rau, gùi các loại hàng đi chợ, mua bán. Dùng gùi thì tiện hơn vì mình đeo sau lưng nên được rảnh đôi tay, chứ như mang giỏ xách hay bao bị thì phải cầm trên tay nên vướng víu hơn, dễ mỏi tay hơn", chị H’Bhieo Êban chia sẻ.

Chiếc gùi cũng là vật dụng không thể thiếu trong một số nghi lễ của người Êđê, như lễ cầu mưa, cầu mùa,...

Giống như chị H’Bhieo, nhiều phụ nữ Êđê ở thành phố Buôn Ma Thuột cũng sử dụng gùi làm vật dụng để vận chuyển hàng hóa và cũng là cách khách hàng dễ nhận ra hàng hóa từ các buôn làng. Tại đa số các chợ ở Đăk Lăk, rất dễ bắt gặp hình ảnh những chiếc gùi được sếp thành hàng, trên đó bày bán đủ loại rau, quả nhà trồng được, mùa nào thức nấy, như đọt bí, dưa leo, ổi, xoài… Ông Y Ký Niê (aê Vô), ở buôn Trưng, xã Krông Jing, huyện Mdrắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ ngày xưa, đối với người Êđê, việc đan gùi là của đàn ông, còn người sử dụng gùi hầu hết là phụ nữ. Từ nhỏ, các bé gái đã được ông hay cha mình đan cho chiếc gùi nhỏ để đeo lên rẫy hay đi lấy nước ở đầu nguồn về sử dụng. Chiếc gùi là vật dụng thân thiết mà chị em nào cũng nhất định phải có.

Ngày nay, chiếc gùi còn theo chị em phụ nữ xuống phố, đeo trên lưng những rau quả nhà trồng được.

Đối với người Êđê chỉ có phụ nữ sử dụng gùi, còn đàn ông chỉ vác xà gạc đi thôi. Phụ nữ Êđê lên rẫy thì gùi rất nhiều thứ như cơm nước mang lên rẫy, gùi lúa, gùi nước uống, gùi củi, rồi các loại rau rừng và những sản vật thu hoạch được trên rẫy, trong rừng.

So với gùi của các dân tộc Tây Nguyên, chiếc gùi của người Êđê đặc trưng bởi phần đế gùi cao hơn, làm bằng các loại gỗ nhẹ, bền. Phần đế giúp chiếc gùi cứng cáp hơn, khi đặt trên mặt đất sẽ cân bằng, không bị đổ. Gùi Êde có nhiều kích cỡ, cao từ ngang vai đến dưới thắt lưng, vừa vặn với lưng người đeo.

Chiếc gùi là sản phẩm của những đôi bàn tay khéo léo cùng với óc thẩm mỹ tinh tế. Ông Y Tó Bkrông (aê H’Vên) ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, tre để làm gùi phải là loại tre già, đặc ruột. Tre chặt về được cắt thành từng khúc dài rồi pha lạt, chuốt nan và đem hong gió cho khô. Khi đan lại đem nhúng nước cho có độ dẻo, dễ đan. Các thanh nan được đan khít lại với nhau tạo thành thân gùi. Miệng gùi được cạp bằng thanh tre dày, rất chắc chắn. Gùi đan xong không đem dùng ngay mà thường được treo ở gác bếp nhiều ngày. Hơi nóng của lửa, của khói xông lên, hun chiếc gùi thêm săn chắc, lên màu nâu bóng như cánh gián, vừa bền vừa đẹp. Những kỹ năng này ông Y Tó đã tự mày mò và làm theo những người lớn tuổi trong gia đình, buôn làng.

Rất dễ bắt gặp hình ảnh phụ nữ Êđê đeo gùi đi bán hàng trên các con phố ở Đắk Lắk.

"Cái này tôi được học từ khi còn nhỏ rồi, học lại từ những người lớn tuổi đi trước thôi. Thấy họ làm thì minh lại xem rồi xin làm thử, đan thử rồi dần dần quen tay và làm thành thạo thôi. Chiếc gùi thì gồm có thân gùi, dây đeo, đế gùi. Đế gùi thì thường được làm bằng thân cây phượng, cây xoan hay cây gạo, tùy kích cỡ gùi to hay nhỏ mà phần đế gùi được lựa chọn từ thân cây to hay nhỏ để làm", ông Y Tó cho biết. 

Từ một vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống và canh tác trong quá khứ, đến nay chiếc gùi vẫn là một vật dụng quen thuộc với nhiều phụ nữ Êđê. Ngày xưa, chiếc gùi trên lưng theo các mẹ, các chị lên nương rẫy, ra bến nước. Ngày nay, chiếc gùi lại theo nhiều phụ nữ Êđê xuống phố, trở thành một phương tiện vận chuyển hàng hóa mang đậm nét đặc trưng thương hiệu và cũng là một hình ảnh đẹp về đặc trưng văn hóa./.