VOV.VN - Tối 1/5, Festival nghề truyền thống Huế 2017 chủ đề “Tinh Hoa nghề Việt” đã bế mạc bằng lễ rước và tôn vinh các nghệ nhân làng nghề.
Festival nghề truyền thống Huế 2017 đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân và du khách.
Trước đó, tại công viên Tứ Tượng, không gian trưng bày làng nghề truyền thống Huế 2017, Ban tổ chức lập một hương án tiến hành lễ tế bách nghệ với các nghi thức truyền thống.
Sau lễ tế là lễ rước tôn vinh làng nghề với sự tham gia của hơn 350 nghệ nhân cùng các nghệ sĩ, diễn viên… diễu hành từ không gian trưng bày làng nghề trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, qua các con phố chính đến sân khấu Bia Quốc học. Tại đây, Ban tổ chức làm lễ vinh danh các nghệ nhân và bế mạc Festival nghề truyền thống 2017.
Lễ hội áo dài lần đầu tiên được tổ chức tại Festival nghề truyền thống Huế.
Xuyên suốt chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, nhiều hoạt động trưng bày, thao diễn nghề đã khẳng định và tôn vinh các nghề truyền thống Việt Nam. Du khách ngoài việc được thưởng ngoạn các công đoạn chế tác các sản phẩm nghề truyền thống, còn được giao lưu với các nghệ nhân.
Nghệ nhân Đàng Xem, ở làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Đây là lần thứ tư tôi đếnFestival nghề Huế. Chúng tôi mang các loại hàng trang trí nội thất, cho sân vườn cũng khá nhiều, khách rất đông và lượng mua bán rất tốt. Đến thời điểm này chúng tôi đã bán hơn 60% lượng hàng mang ra".
Nhiều hoạt động trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2017
Đông đảo người dân và du khách tham gia Festival nghề truyền thống Huế.
Festival Nghề truyền thống Huế 2017 với nhiều hoạt động hấp dẫn, mới lạ đã thu hút nhiều du khách và người dân địa phương như: Lễ hội áo dài chủ đề "Hội họa Huế với áo dài" tại cầu Trường Tiền, Lễ hội khinh khí cầu tại quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, Không gian ẩm thực Ba Miền, Lễ hội Ẩm thực Huế... Trong 4 ngày diễn ra festival, thành phố Huế đón 280.000 khách du lịch, trong đó khách lưu trú 195.000 người.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế, Phó trưởng Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2017 Huế cho biết: "Đây là dịp biểu dương sinh động trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân các làng nghề tiêu biểu của Thừa Thiên-Huế và nhiều địa phương trong cả nước; đây cũng là cơ hội để quảng bá giới thiệu những nét văn hóa của các nghề và làng nghề, đặc biệt là những sản phẩm thủ công tiêu biểu".
"Việc tổ chức thành công Festival nghề truyền thống cũng giúp cho các làng nghề trong thành phố, trong tỉnh và trong cả nước có điều kiện để tiếp cận quảng bá đến với công chúng và khách du lịch" - ông Nguyễn Đăng Thạnh cho biết thêm./.