Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào Mông vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống rất riêng, trong đó phải kể đến tục làm bánh dày ngày Tết. Bánh dày không chỉ được giã trong các gia đình mà hiện nay, ở nhiều địa phương có đông đồng bào Mông còn tổ chức các cuộc thi giã bánh giày giữa các bản, các xã trong dịp Tết.
Chị em phụ nữ nặn bánh dày. |
Với người Mông, trong mâm cơm ngày Tết, ngoài rượu thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu, không chỉ để ăn mà còn để cúng tổ tiên. Vì vậy, dù ở đâu, đồng bào Mông nào trong ngày tết cũng phải có bánh dày. Một số nhóm người Mông còn làm chiếc bánh dày to để trên một mâm cơm hoặc cho vào mẹt đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên.
Công đoạn làm bánh rất tỉ mỉ. Chị Và Thị Ly ở bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để có được những chiếc bánh dày thơm, dẻo và ngon thì gạo để làm bánh dày phải là loại gạo nếp nương thơm dẻo không bị pha tạp. Sau khi chọn được loại gạo ngon thì phải mang đi phơi sao cho đủ nhiệt độ để khi xay xát hạt gạo không bị gãy nát mà vẫn giữ được vị thơm ngon và độ dẻo cho bánh.
Nguyên liệu để gói bánh là những tàu lá dong hoặc lá chuối rừng đẹp không bị rách được rửa sạch, lau khô thi gói bánh mới thơm và để được lâu. Gạo sau khi ngâm xong được vớt ra, rồi mang đi đồ chín, rồi bắt đầu đem đổ ra cối để giã. Việc giã bánh là công đoạn vất vả và tốn nhiều công sức hơn cả, phải cần đến những chàng trai thanh niên khỏe mạnh, sức dẻo dai thay nhau cầm chày giã xôi cho tới khi nào xôi nhuyễn và dẻo quánh thành một khối mới đến phần các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh tròn hoàn chỉnh.
Mâm bánh dày. |
Chị Và Thị Ly cho biết thêm: “Khi làm bánh, gạo nếp được vo qua, ngâm nước từ 2 đến 3 tiếng, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ đồ thành xôi. Khi xôi đã chín thì được đổ ra cối để giã, khi bánh đã giã xong, phụ nữ chuẩn bị lá để gói bánh thành những chiếc bánh tròn và mỏng”.
Bánh dày của người Mông, trước đây thường chỉ được giã trong các ngày lễ tết của dân tộc để mời khách quý, làm quà nhưng những năm gần đây, vào dịp đầu xuân hay các ngày lễ hội của một số bản, một số xã người Mông vùng cao còn tổ chức thi giã bánh dày giữa các dòng họ, các gia đình, các bản với nhau nhằm thể hiện tính đoàn kết trong cộng đồng của đồng bào Mông.
Như ở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, năm nay, ngoài tổ chức tết theo truyền thống, xã tổ chức thêm lễ hội ngày xuân cho bà con trong xã. Ngoài những trò chơi văn hóa dân gian như: Ném còn, đánh tu lu, bắn nỏ, văn hóa văn nghệ... thì xã còn tổ chức tổ chức thi giã bánh dày giữa các bản với nhau.
Anh Vừ A Thanh và chị Vàng Thị Lù, đội thi giã bánh dày bản Pha Khoang, xã Co Mạ chia sẻ: Thi giã trong thời gian rất ngắn khoảng 15 phút là phải giã xong, sau đó nặn mỏng, tròn thành chiếc bánh, gói lá dong hoàn chỉnh. Đội thi nào giã bánh được dẻo, nhuyễn và gói bánh trong thời gia nhanh nhất thì đội đó giành chiến thắng.
Đến thăm những bản làng của đồng bào Mông vùng cao trong những ngày Tết đến xuân về, cùng ăn những món ăn ngon, nâng chén rượu ngô thơm nức chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới, nhớ thưởng thức hương vị bánh dày-món bánh không thể thiếu của đồng bào./.