50 mùa xuân, kể từ khi Bác đọc thơ chúc Tết lần cuối trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào Giao thừa xuân 1969. Những thế hệ được nghe thơ Bác, và người nghệ sỹ vinh dự được ngâm bài thơ của Bác vào đêm giao thừa nay tuổi cũng đã cao. Những kỷ niệm về thời khắc thiêng liêng lắng nghe thơ Bác trong điều kiện khó khăn vẫn không thể nào quên với mỗi người dân Việt Nam khi đó.

bac_ho_1_qywy.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài TNVN (VOV)

50 năm trước, đón giao thừa xuân Kỷ Dậu 1969, trong điều kiện phải đi sơ tán đề phòng chiến tranh, ông Nguyễn Chí Tiến (phố Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) kể lại, chuẩn bị đến thời khắc giao thừa, các gia đình ở khu sơ tán đều ra đầu làng để đón nghe Bác chúc Tết qua hệ thống loa phát thanh của xã. Ra tới nơi, mọi người đã tập trung rất đông, khi giọng Bác cất lên “Đồng bào và chiến sỹ yêu quý”, tất cả lặng đi như thấm từng lời Bắc. Cuối thư chúc Tết, Bác tổng kết lại bằng bài thơ lục bát 6 câu giản dị, dễ nhớ, mà ông Tiến thuộc ngay sau đó.

“Lúc ấy chiến tranh sơ tán, chúng tôi đi nghe nhờ ở trạm tập thể xã. Nhưng mà đông lắm, bảo nhau nghe thơ Bác mừng lắm, rất hồi hộp và xúc động, thiêng liêng lắm. Rất tự hào phấn khởi, khí thế toàn dân, phấn khởi lắm”- ông Nguyễn Chí Tiến nói.

Ông Nguyễn Chí Tiến say sưa kể lại lần nghe thơ Bác xuân 1969
Chờ đón để nghe giọng nói ấm áp của Người đọc thơ Chúc Tết là mong muốn chung của mỗi người dân Việt Nam vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Với bà Nguyễn Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, thời khắc giao thừa được nghe thơ chúc Tết xuân 1969 của Bác làm bà và gia đình cảm động rưng rưng vì khi đó anh trai và chú ruột đang là chiến sỹ ở tiền tuyến lớn miền Nam. Bài thơ của Bác đã dự báo về một ngày mai sum họp, kết thúc chiến tranh.

“Hồi đó nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm cúng đúng giờ khắc giao thừa thì nghe. Không những là nghe đọc thơ trên Đài mà còn là bài hát nghe được rất nhiều, nên tin tưởng là sẽ có ngày thống nhất, chấm dứt chiến tranh”-  bà Nguyễn Phương Mai nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai vẫn còn xúc động khi kể lại kỷ niệm 50 năm trước.
Bài Mừng xuân 1969 - xuân Kỷ Dậu, là bài thơ chúc Tết cuối cùng Người đọc trên làn sóng Đài TNVN (VOV).Năm qua thắng lợi vẻ vang,Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.Vì độc lập, vì tự do,Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bàoBắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn.

Cũng vào thời khắc giao thừa xuân 1969, sau khi nghe Bác chúc Tết, quân và dân cả nước còn được nghe nghệ sỹ Kim Liên ngâm lại bài thơ của Bác trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nghệ sỹ nhân dân Kim Liên nay đã gần 80 tuổi nhớ lại cảm xúc tự hào và vinh dự khi được thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng: “Lúc bấy tôi hồi hộp và lo nghĩ, không biết 6 câu thơ này mình sẽ ngâm kiểu gì, mình hát kiểu gì. Tôi nghĩ đây cũng là một nhiệm vụ chính trị. Tôi định hát văn, nhưng hát văn thì còn đàn, còn trống cũng phức tạp, ngâm lúc bấy giờ cũng không có người đệm, ngâm vo luôn. Nhưng tôi bình tĩnh lại tự nhủ rằng, mình đưa vào thơ chất chèo. Tôi chọn kiểu ngâm bồng mạc, chỗ nào cần nhấn, tôi nhấn thật sâu, chỗ nào cần kéo dài, tôi ngân ra để phù hợp với ý thơ của Bác”.

Từ khi đất nước được độc lập, từ giao thừa năm 1946, năm nào Bác cũng có thơ chúc Tết gửi đến đồng bào, chiến sỹ cả nước. Đặc biệt bài thơ xuân cuối cùng của Bác năm 1969 với những vần thơ đanh thép, đầy hào khí như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ ngoài mặt trận và ươm thêm mùa hạt giống niềm tin vững chắc cho những tấm lòng ở hậu phương vào ngày tất thắng, ngày Bắc Nam sum họp một nhà. /.