Trong một báo cáo được công bố trong tháng này, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế cho biết, hiện tại lượng ngũ cốc dư thừa từ các khu vực khác trên thế giới sẽ chỉ bù đắp được phần nào nguồn cung nông sản “mắc kẹt” tại Nga và Ukraine. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) mới đây cũng bày tỏ lo ngại về nguồn cung lúa mì trên toàn cầu, vì một nửa lượng ngũ cốc mà WFP mua mỗi năm cũng đến từ Ukraine.
Lúa mì vốn đóng vai trò thiết yếu trong khẩu phần ăn của phần lớn người dân Trung Đông-Bắc Phi. Ai Cập là một trong số những nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, với 70% lúa mì nước này là đến từ Nga và Ukraine.
Nhận định nguy cơ khủng hoảng thương thực đang cận kề, ông Ahmed Shoukry Rashad - chuyên gia kinh tế Ai Cập cho biết: “Chúng ta cần đa dạng hóa các quốc gia mà chúng ta nhập khẩu lúa mì. Chắc chắn, chúng ta sẽ phải tìm đến các nước xuất khẩu lúa mì khác, nhưng họ sẽ bán cho chúng ta với giá không hề rẻ như ở Nga và Ukraine, hay Pháp, Đức. Do đó, nếu xung đột kéo dài và nguồn cung ngày càng ít đi, điều này sẽ gây thêm áp lực lên cán cân thanh toán hoặc ngân sách của chúng ta”.
Với hơn 70% lượng lúa mì mà Lebanon nhập khẩu từ Ukraine, người dân nước này cũng đang trong tình cảnh khốn đốn vì tình trạng giá cả mặt hàng này tăng chóng mặt những ngày gần đây. Kể từ đầu tháng 3, bột mì đã không còn xuất hiện trong các cửa hàng, trong khi giá bánh mì tăng 70%.
Sự gián đoạn về nguồn cung lúa mì toàn cầu còn dẫn tới lo ngại sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát giá lương thực tại những quốc gia đói kém như Yemen, khi những ngày gần đây nhiều người dân nước này đổ xô đi mua bột mì.
Ông Ali Al-Faqih-một người dân ở Sanaa than thở: “Gián đoạn nguồn cung lúa mì ở Nga và Ucraina sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới chứ không chỉ riêng gì chúng tôi. Nó sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và thương mại, mà chúng tôi là nước nhập khẩu lúa mì và phần lớn thực phẩm đến từ nước ngoài, do đó, chắc chắn, chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng”.
Trước tình hình hiện tại, các chính phủ trong khu vực đang cố gắng giảm tác động của tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mì thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, tận dụng cả nguồn cung trong nước lẫn tìm kiếm những nguồn nhập khẩu thay thế. Một số nước, trong đó có Ai Cập, Lebanon đang ưu tiên thị trường nội địa trước lo ngại thiếu hụt lương thực, có thể gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu. Trong khi đó, các nhà sản xuất trên thế giới cũng đang được kỳ vọng sẽ phản ứng mạnh mẽ để tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực tế, để người dân không cần phải tích trữ lương thực./.