Hiện nay, Nga được xem là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Do đó, khi các nước Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, điều này đã làm gián đoạn khâu cung ứng các nguyên liệu đầu vào trên toàn cầu. Trước tình trạng thiếu hụt phân bón – vốn là chìa khóa để tăng năng suất cây trồng, những người nông dân đã cố gắng điều chỉnh lại quy mô sản xuất để thích ứng.
Cú đúp rủi ro
Giá phân bón toàn cầu đã ở mức cao trước khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2, do giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng kỷ lục.
Khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây đã đáp trả Nga bằng các đòn trừng phạt kinh tế cứng rắn. Cùng với đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Đáng chú ý, theo số liệu của ngân hàng Rabobank (Hà Lan), năm 2021, Nga và Belarus chiếm hơn 40% tổng sản lượng kali xuất khẩu toàn cầu. Đây là một trong ba chất dinh dưỡng quan trọng được sử dụng để tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, Nga cũng chiếm khoảng 22% sản lượng amoniac xuất khẩu của thế giới, 14% sản lượng urê và khoảng 14% sản lượng monoammonium phosphate (MAP), vốn đều các loại phân bón chủ chốt.
Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, cho biết cuộc khủng hoảng phân bón đang gây ra những điều đáng lo ngại khi nó có thể kìm hãm việc sản xuất lương thực ở các nước trên thế giới. “Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề phân bón và việc cung cấp phân bón vẫn tiếp tục bị đình trệ, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề về nguồn cung [lương thực] trong năm tới”, ông Torero nhận định.
Nga và Ukraine còn là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 20% sản lượng ngô xuất khẩu. Quá trình vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen đã bị gián đoạn. Việc đình trệ xuất khẩu hàng hóa từ hai quốc gia này đã góp phần gây gia tăng nguy cơ thiếu lương thực toàn cầu.
Sự thích ứng của các quốc gia
Brazil được xem là cường quốc nông nghiệp và là nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, song lại phụ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu như kali. Trong đó, Nga và Belarus là nhà cung cấp 1/2 số phân bón cần thiết cho Brazil. Trước tình trạng giá phân bón tăng cao do xung đột Nga-Ukraine, một số nông dân nước này đã phải thu hẹp diện tích trồng trọt so với các năm trước. Theo Agroconsult, công ty tư vấn nông nghiệp tại Brazil, việc này sẽ gây ảnh hưởng đến sản lượng đậu tương và các loại cây trồng khác ở nước này trong năm nay.
Riêng tại Mỹ, giá phân bón dự kiến sẽ tiếp tục tăng 12% trong năm nay, sau khi đã tăng 17% vào năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Một số nông dân Mỹ đang dự tính chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cần ít chất dinh dưỡng hơn trong khi một số khác lại tính tới phương án thu hẹp diện tích trồng trọt. Bên cạnh đó, cũng có những người chỉ tính cắt giảm việc sử dụng phân bón, một biện pháp được cho là sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng.
Ở các nơi khác trên thế giới, người nông dân cũng đưa ra các giải pháp tạm thời để giảm thiểu những áp lực về giá cả. Song các nhà sản xuất ngũ cốc, nhà phân tích nông nghiệp, doanh nghiệp và các nhóm nông dân đều bày tỏ lo ngại về nguồn cung và giá phân bón hiện nay.
Theo Tony Will, giám đốc điều hành của CF Industries Holdings (CF.N) - nhà sản xuất phân đạm hàng đầu thế giới, sản xuất nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển sẽ gặp phải nhiều rủi ro nhất, vì điều kiện tài chính của nông dân tại đây thấp hơn các nước khác khiến họ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chống chọi với “bão” tăng giá. Ông Will cho biết thêm: “Mối quan tâm của tôi lúc này là nguy cơ khủng hoảng lương thực sẽ diễn ra trên toàn cầu”.
Tại Peru, ngày 19/3 vừa qua, chính phủ nước này đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với ngành nông nghiệp của họ với những lo ngại về vấn đề mất an ninh lương thực. Diện tích trồng trọt của Peru đã giảm 0,2% kể từ tháng 8/2021 do giá phân bón leo thang, đồng thời sản lượng ngũ cốc nhập khẩu cũng giảm sút do những lo ngại về chi phí. Chính phủ Peru hiện đang soạn thảo một kế hoạch để tăng nguồn cung cấp lương thực cho quốc gia.
Nhập khẩu phân bón từ đâu?
Châu Á cũng đang gặp khó khăn về chuỗi cung ứng phân bón. Ấn Độ - nước nhập khẩu phân bón - đang tìm kiếm các nguồn cung khác từ Canada và Israel để thay thế cho Nga. Trong khi đó, Thái Lan đang phải đối mặt với áp lực nhu cầu phân bón cho vụ lúa đầu của mình. Theo số liệu từ chính phủ Thái Lan, Nga và Belarus chỉ chiếm khoảng 12% sản lượng phân bón nhập khẩu của nước này vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế vẫn khá khó khăn do việc kiểm soát giá phân bón trong nước đang tạo ra sức ép cho các nhà nhập khẩu Thái Lan trong bối cảnh giá thị trường thế giới bùng nổ, theo ông Plengsakdi Prakaspesat, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón và Vật tư Nông nghiệp Thái Lan.
"Nếu bạn là một thương gia và biết chắc sẽ thua lỗ, liệu bạn vẫn sẽ nhập thêm hàng hóa?", ông Plengsakdi đặt câu hỏi.
Năm 2019, Trung Quốc đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón để bảo vệ nông dân nước này khi giá toàn cầu leo thang do nhu cầu tăng mạnh và bùng nổ giá năng lượng. Gavin Ju, chuyên gia của Văn phòng tư vấn hàng hóa CRU tại Thượng Hải, cho biết Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ nới lỏng những hạn chế đó trong năm nay để có thể thúc đẩy nguồn cung của thế giới. Song điều này ít có khả năng xảy ra khi thị trường toàn cầu đang hỗn loạn.
Những lo ngại về lạm phát gia tăng và chiến sự kéo dài ở Ukraine khiến một số nông dân phải dự tính kế hoạch trước. Bert Peeter, một người nông dân trồng ngô và cải dầu ở Manitoba (Canada), đã chấp nhận chi hơn 500.000 CAD (khoảng 400.000 USD) để mua 80% lượng phân bón mà ông dự định sử dụng trong năm 2023. Ông nghĩ rằng việc tăng giá phân bón “vẫn chưa thể kết thúc”, nên ông cần phải dự trữ nó ngay bây giờ./.