Mỹ và các nước đồng minh bao gồm Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào Nga. Các chuyên gia cho rằng Washington sẽ cùng các nước đồng minh đáp trả Moscow, còn Nga có khả năng sẽ bắt tay với các nước đối đầu với Mỹ như Trung Quốc, đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.

Đài KBS của Hàn Quốc nhận định rằng bên cạnh căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, việc Nga tấn công Ukraine có thể làm dấy lên cuộc đối đầu giữa Hàn-Mỹ-Nhật và Triều-Trung-Nga. Nếu vậy, điều này sẽ gây ra hạn chế đáng kể trong việc giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, trong đó bao gồm chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Nói cách khác, Trung Quốc và Nga có thể sẽ từ chối tham gia vào nỗ lực của Hàn Quốc và Mỹ để tìm ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng có khả năng tận dụng cơ hội này, dùng sự hậu thuẫn của Bắc Kinh và Moscow để đẩy nhanh quá trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Các chuyên gia nhận định rằng Triều Tiên sẽ nhìn vào các trường hợp của Ukraine hay là Libya và Iraq trong quá khứ, mà sẽ càng theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh cho đất nước.

Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh cho đất nước. Nhưng cam kết quốc tế này đã trở thành "tờ giấy trắng" sau khi Ukraine bị Nga tấn công. Triều Tiên có thể lấy vụ việc lần này của Ukraine làm bài học kinh nghiệm cho mình.

Trong khi Mỹ đi đầu trong việc áp các lệnh trừng phạt lên Nga sau khi nước này nã pháo vào Ukraine, sự đối đầu giữa các phe phái trong cộng đồng quốc tế đã trở nên rõ ràng hơn.

Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố trong trường hợp Nga bất chấp cảnh cáo của cộng đồng quốc tế, tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Ukraine dù dưới bất cứ hình thức nào, thì Seoul sẽ không còn cách nào khác là tham gia vào lệnh cấm vận Moscow, như kiểm soát xuất khẩu sang Nga.

Nếu Mỹ và các nước đồng minh châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản tăng cường sức ép lên Nga thì Matxcơva có thể sẽ bắt tay với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng để đáp trả. Đây là tình huống không hề mong muốn cho Seoul khi cần phải hợp tác với Trung Quốc và Nga để tìm giải pháp cho các vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Có khả năng Triều Tiên sẽ nối lại thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thực hiện hành động thực tế để thu hút sự chú ý của phương Tây bao gồm cả Mỹ. Do đó, Seoul không mong rằng xung đột quân sự tại Ukraine sẽ khiến vấn đề hạt nhân Triều Tiên bị đẩy ra khỏi mối quan tâm của cộng đồng quốc tế./.