Trẻ em - nạn nhân của cuộc xung đột đẫm máu chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt - đang bị tước đi nhiều quyền cơ bản, trong đó có quyền được học tập.

lb_apjv.jpg
Các phương tiện quân sự tại khu vực Tajura, phía đông Tripoli, ngày 6/4. (Ảnh: Reuters).

Nhiều trường học ở thủ đô Tripoli – điểm nóng về xung đột tại Libya, đã phải đóng cửa từ nhiều ngày này do giao tranh. Không ngày nào, thủ đô Tripoli ngớt tiếng súng và đạn pháo.

Xung đột đã khiến nhiều trẻ em không dám bước chân ra khỏi nhà, chứ đừng nói đến chuyện đến trường để học tập. Chiến sự trở thành nguyên nhân tước đoạt quyền được học tập của trẻ em. Ông Ibrahim Farah – một chuyên gia giáo dục Văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Libya cho biết:

“Chiến sự không ngừng leo thang tại Libya trong 2 tháng qua khiến nhiều trường học phải đóng cửa, nhất là các trường học ở Tripoli - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này đã khiến 12.000 trẻ em không thể đến trường.”

Thống kê cho thấy, có hơn 3.000 trẻ em đang ở độ tuổi đến trường đã phải theo gia đình đi sơ tán từ nhiều tháng nay. Nhằm hỗ trợ các em có cơ hội bù đắp lại những kiến thức bị bỏ lỡ do phải nghỉ học và ổn định tâm lý giúp các em, nhà chức trách Libya với sự hỗ trợ của UNICEF đã phải tổ chức các lớp học thêm trong tháng lễ ăn chay Ramadan – giai đoạn diễn ra ngừng bắn ở Tripoli và mời các chuyên gia tâm lý tới các lớp học.

Ông Amal Minsarsi- chuyên gia tâm lý tại một trường học nói: “Vấn đề tâm lý mà học sinh phải đối mặt xuất hiện từ trước lễ Ramadan. Đã có những bậc phụ huynh đã nói với tôi rằng, con của họ quá sợ hãi. Chúng phải đối mặt với ác mộng hàng đêm. Chúng không muốn ra khỏi nhà chứ đừng nói đi học. Đây là một sự ám ảnh”.

Không chỉ mất cơ hội học tập, trẻ em tại thủ đô Tripoli còn không được tiếp cận với y tế khi không được tiêm vắc xin đầy đủ và các dịch vụ ý tế cơ bản khác. Những trẻ em bị mắc kẹt tại các khu vực xung đột thậm chí còn phải đối mặt với nạn đói hoặc bị các nhóm vũ trang tuyển mộ làm lính.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang dai dẳng kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền cựu lãnh đạo Gadhafi. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Haftra hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftra đầu tháng 4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát Tripoli. 2 tháng đã trôi qua song giao tranh tại Tripoli vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Người đứng đầu Quốc hội miền Đông Libya Aguila Saleh hôm 13/6 cho biết sẽ không dừng giao tranh tại Libya cho đến khi họ giành quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô.

“Giải pháp chính trị là cần thiết trong mọi trường hợp, kể cả khi thủ đô đã được giải phóng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình Libya hiện nay, đối thoại chính trị không có ích gì khi có sự can thiệp từ bên ngoài. Người dân Libya muốn tổ chức các cuộc bầu cử mới. Một Chính phủ đoàn kết dân tộc cần phải được thành lập để tổ chức tổng tuyển cử. ”

Với tuyên bố này của Người đứng đầu Quốc hội miền Đông Libya, chiến sự tại thủ đô Tripoli sẽ còn ác liệt và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho đến nay, chiến dịch quân sự của lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya đến nay đã làm hơn  3.500 người thương vong và hơn 75.000 người Libya phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.