Các tổ chức nhân đạo ở Iraq cho biết, hiện tại có hơn 2 triệu trẻ em mồ côi đang sinh sống tại quốc gia này. Hầu hết trẻ em trong số này đều phải tự lao động để kiếm sống.

Iraq thường xuyên bị đe dọa bởi các cuộc tấn công khủng bố. Chiến tranh và bất ổn xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ em.

tre%20em%20iraq.jpg
Trẻ em Iraq, mới 13, 14 tuổi đã trở thành lao động chính trong nhà (Ảnh minh họa, nguồn Reuters)

Báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố vào năm 2006 cho thấy, Iraq đã có 870.000 trẻ em mồ côi. Tuy nhiên các tổ chức cứu trợ nhân đạo tại quốc gia này cho biết, hiện tại số trẻ em mồ côi đã tăng lên nhiều khi tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Cô Kouria Wonfurat, một tình nguyện viên hoạt động vì quyền phụ nữ và trẻ em ở Iraq cho biết: “Theo thống kê của chính phủ Iraq, hiện có hơn 2 triệu trẻ em mồ côi trên khắp đất nước. Nhiều trẻ em đã mất cha mẹ trong cuộc chiến giữa Iran và Iraq. Tiếp sau đó, sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein đã khiến nhiều người vô gia cư. Còn hiện nay, sự gia tăng nhóm khủng bố al-Qaeda và nhiều nhóm khủng bố khác đã khiến số trẻ em mồ côi gia tăng”.

Ngoài vấn đề trên, còn một điều đau lòng hơn, đó là hầu hết những trẻ em này đều phải tự lao động để kiếm sống. Nhiều em bé mới chỉ khoảng 13, 14 tuổi đã trở thành lao động chính nuôi gia đình. Hussien – 13 tuổi, kiếm sống bằng cách nhặt phế liệu trên các đường phố ở thủ đô Baghdad. Cha của em qua đời trong một vụ nổ khi Hussien mới chỉ lên 5 tuổi, kể từ đó, em phải bỏ học và sống trong một căn lều cùng với những người thân còn lại. Mỗi ngày, em phải dậy sớm từ 5 giờ sáng để làm việc, tuy nhiên số tiền mà em kiếm được quá ít ỏi so với sức lao động bỏ ra.

Hussien chia sẻ: “Cháu bắt đầu làm việc trên đường phố vài tháng trước đây. Cháu có 4 chị em gái, và hiện giờ cháu là trụ cột chính. Cuộc sống của cả gia đình cháu phụ thuộc vào số phế liệu gom nhặt được trên đường phố”.

Có thể nói, các cuộc xung đột tại Iraq đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn, mà người gánh chịu trực tiếp không ai khác chính là phụ nữ và trẻ em. Tương lai của các trẻ em đó rồi đây sẽ như thế nào. Đó là một câu hỏi vô cùng lớn với những người có trách nhiệm và những nhà hảo tâm quốc tế./.