Sau khi truyền thông Trung Quốc khoe rằng một tàu tuần tra “khủng” của nước này đang chạy thử và có thể được triển khai đến tuần tra ở Biển Đông, một số chuyên gia đã cảnh báo về sự nguy hiểm của chiếc tàu được mệnh danh “quái thú” trên biển.
|
Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. (Ảnh: Militaryy.cn). |
Hơn cả chiến hạm
Theo phiên bản điện tử của tờ Nhân Dân nhật báo, tàu Hải cảnh 3901 sẽ là tàu tuần tra lớn nhất thế giới khi được đưa vào hoạt động, vượt xa kỷ lục do tàu 6.500 tấn của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản lập trước đó.
Chiếc tàu có độ choán nước 12.000 tấn, chạy với vận tốc tối đa 46,3 km/giờ, được trang bị một hạm pháo siêu tốc 76 mm, 2 pháo hỗ trợ và 2 pháo phòng không. Tàu còn có bãi đáp trực thăng có thể phục vụ trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Tàu mới có thiết kế tương tự chiếc cùng loại đầu tiên là Hải cảnh 2901, vốn đã được biên chế hoạt động ở biển Hoa Đông năm ngoái.
Tuy nhiên, Nhân Dân nhật báo khoe rằng Hải cảnh 3901 có thể ở trên biển lâu hơn, mang theo thủy thủ đoàn lớn hơn, mang nhiều hàng tiếp tế hơn và cũng an toàn hơn nếu xảy ra va chạm. Theo tờ báo này, Hải cảnh 3901 đủ sức đâm thủng một tàu có độ choán nước trên 20.000 tấn, va chạm với một tàu 9.000 tấn mà không hề hấn gì và có thể đâm chìm một tàu 5.000 tấn.
Thậm chí, tàu CCG mới còn lớn hơn cả khu trục hạm USS Lassen (9.200 tấn) mà Mỹ triển khai tuần tra áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa hồi tháng 10/2015. Có lẽ vì thế mà Đông Phương báo dự đoán một khi đi vào hoạt động, Hải cảnh 3901 sẽ trở thành tàu chỉ huy cái gọi là lực lượng tuần tra chấp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thách thức nghiêm trọng
Trong bài bình luận mới đây trên chuyên san The National Interest (Mỹ), chuyên gia Koh Swee Lean Collin tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) chỉ ra rằng kích cỡ và lực đẩy của tàu đóng vai trò quan trọng khi va chạm với tàu khác. Từ đó, ông khẳng định Hải cảnh 3901 sẽ chiếm ưu thế khi đụng độ với các tàu tuần tra nhỏ hơn và có lực đẩy thấp hơn của các nước ven Biển Đông.
Ngoài ra, nó là một thách thức đối với tàu hải quân của các nước hiện diện ở khu vực vì tàu tuần tra không buộc phải tuân theo Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) mà 21 nước, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, đã ký tham gia hồi năm 2014. Để có thể sống sót khi đối đầu với Hải cảnh 3901, các tàu hải quân ở khu vực phải khai hỏa trước.
“Các chỉ huy hải quân Mỹ bây giờ phải chuẩn bị khả năng xảy ra các cuộc đối đầu khó chịu với các tàu tuần tra siêu lớn của Trung Quốc trên vùng biển xa trong thời bình. Đây sẽ là một viễn cảnh bất lợi bởi các tàu tuần tra siêu lớn của Trung Quốc lớn hơn hầu hết tàu chiến mặt nước của Mỹ”, Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu Ryan Martinson tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ khuyến cáo.
Trước khi có Hải cảnh 3901, những tàu hải cảnh từ 5.000 tấn trở xuống của Trung Quốc đã gây ra không ít vụ việc khiến cộng đồng thế giới quan ngại. Chuyên gia Collin chỉ ra hồi tháng 5/2011, 3 tàu hải giám Trung Quốc (sau này được chuyển đổi thành tàu hải cảnh) đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 tại vùng biển cách bờ biển Việt Nam khoảng 128 km, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đến tháng 4/2012, các tàu hải giám Trung Quốc ngăn chặn hải quân Philippines truy bắt ngư dân Trung Quốc đánh bắt tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough rồi tiến tới giành luôn quyền kiểm soát bãi cạn này.
Hơn 2 năm sau, khi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc cắm phi pháp trong vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7/2014, các tàu hải cảnh hung hăng đâm húc và phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Tháng 6/2015, Kuala Lumpur cũng bất ngờ lên tiếng tố cáo về sự hiện diện của các tàu hải cảnh Trung Quốc tại khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Từ những vụ việc như trên, kết hợp với mưu đồ của Bắc Kinh nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà”, chuyên gia Collin cảnh báo con tàu “quái thú” của Trung Quốc sẽ gây ra thách thức nghiêm trọng và là mối quan ngại đối với sự ổn định ở Biển Đông.
Biên tập viên của chuyên san The Diplomat Franz-Stefan Gady cho rằng Hải cảnh 3901 có thể sẽ là công cụ cưỡng ép nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Còn báo mạng Asia Sentinel cũng dẫn lời giới quan sát nhận định Hải cảnh 3901 là mối đe dọa đối với các nước láng giềng ở Biển Đông.
Nếu những cảnh báo đó trở thành hiện thực, tình hình ở Biển Đông sẽ càng nghiêm trọng hơn vì chuyên gia Trung Quốc Tống Trung Bình từng nhận định với tờ
The Straits Times: “Một chiếc hải cảnh trên 10.000 tấn không đủ cho Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông - NV). Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều chiếc tương tự được đóng”./.
Giải mã số hiệu tàu tuần tra Trung Quốc
Theo chuyên gia Koh Swee Lean Collin, các số hiệu trên thân tàu hải cảnh Trung Quốc mang những ý nghĩa nhất định. Theo đó, đối với những số hiệu 4 chữ số như tàu Hải cảnh 3901 thì số đầu tiên đại diện cho 1 trong 3 phân cục của Lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Số “1” đại diện cho phân cục Bắc Hải, “2” cho phân cục Đông Hải và “3” cho phân cục Nam Hải. Còn đối với những tàu có số hiệu 5 chữ số thì 2 số đầu tiên đại diện cho nơi tàu đóng trú. Chẳng hạn, đối với chiếc Hải cảnh 31239, tàu hải cảnh vũ trang đầu tiên được triển khai đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản hồi tháng 12.2015, số “31” thể hiện nó đóng ở Thượng Hải. Số kế tiếp thường chỉ độ choán nước của tàu, chẳng hạn như “0” thể hiện các tàu có độ choán nước dưới 1.000 tấn. Hai số cuối có thể chỉ số thứ tự trong loạt tàu được đóng hoặc hai số cuối cùng trong số hiệu cũ của chiếc tàu trước khi nó được chuyển đổi mục đích sử dụng. Ví dụ, số “39” của Hải cảnh 31239 được lấy lại từ hai số cuối của một thân tàu hải quân mang số hiệu 539.