Máy bay V-22 Osprey của Mỹ trong một cuộc tập trận chung với Philippines (Ảnh: AFP)

1. Ngày 22/6, hải quân Philippines đã chính thức khởi động hàng loạt cuộc tập trận với hai đồng minh là Mỹ và Nhật Bản tại một số khu vực ở Biển Đông.

Trước đó, một máy bay tuần tra biển P3-C của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) hôm 21/6 đã hạ cánh xuống thành phố Puerto Princesa đảo Palawan để tham gia tập trận với hải quân Philippines.

Theo dự kiến trong cuộc tập trận chung với Nhật Bản, binh sĩ Philippines và Nhật Bản sẽ cùng được triển khai trên máy bay tuần tra P3-C để thực hiện các chuyến bay trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông với mục đích nhân đạo, tăng cường khả năng phối hợp, tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Song song với cuộc tập trận chung với Nhật Bản, cuộc tập trận mang tên Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) giữa Philippines và Mỹ lần này có sự tham gia của hơn 300 binh sỹ Philippines và 300 binh sỹ Mỹ sẽ kéo dài đến ngày 25/6. 

Trong cuộc tập trận này, Philippines sẽ huy động một trực thăng chiến đấu, một máy bay trinh sát biển trong khi Mỹ cử một tàu hộ tống - cứu hộ và một máy bay trinh sát P3-C tham gia.

an_ninh_afghanistan_jzob.jpg
Lực lượng an ninh Afghanistan phong tỏa hiện trường vụ tấn công tòa nhà Quốc hội (Ảnh: Reuters)

2. Ngày 22/6, một kẻ đánh bom liều chết Taliban và 6 tay súng khác đã tấn công tòa nhà Quốc hội Afghanistan vào hôm 22/6, làm bị thương ít nhất 19 người và tạo ra một cột khói lớn ở thủ đô Kabul.

Cuộc tấn công nhằm vào biểu tượng trung tâm quyền lực của Afghanistan cùng với một loạt thắng lợi khác của nhóm Taliban trong thời gian gần đây đã làm người ta đặt câu hỏi về hiệu quả của các lực lượng an ninh Afghanistan do NATO đào tạo.

Cuộc tấn công hôm 22/6 bắt đầu khi một chiến binh Taliban lái một chiếc ô tô chở đầy thuốc nổ cho nổ tung các cánh cổng Quốc hội.

Người ta đang thắc mắc làm thế nào mà tên lái xe này lọt qua được một số chốt kiểm tra an ninh.

Phát ngôn viên nói, 6 tay súng đã chiếm lĩnh các vị trí trong một tòa nhà gần Quốc hội. Lực lượng an ninh đã tiêu diệt 6 tên này sau một trận đấu súng kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (Ảnh: AP)

3. Ngày 22/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bắt đầu chuyến thăm quan trọng đến châu Âu.

Một trong những mục tiêu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến châu Âu lần này là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác của các nước thành viên NATO trong cuộc đối đầu với Nga.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang căng thẳng, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ cũng muốn nhân cuộc khủng hoảng Ukraine để gia tăng sức ép đối với các đồng minh châu Âu, đảo ngược xu hướng giảm chi tiêu quốc phòng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Dưới thời tiết 45 độ C, người dân Pakistan phải hạ nhiệt bằng nước (Ảnh: AFP)

4. Kể từ ngày 20/6, đã có 114 người tại thành phố Karachi và 8 người khác tại ba huyện của tỉnh Sindh của Pakistan thiệt mạng vì nắng nóng tới 45 độ C.

Người đứng đầu bộ phận cấp cứu tại Bệnh viện Jinnah ở thành phố Karachi, bác sỹ Seemin Jamali cho biết, phần lớn các nạn nhân là người cao tuổi. “Họ đều chết vì bị sốc nhiệt”, bà Seemin Jamali nói.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi thành phố Karachi bị mất điện thường xuyên do nhu cầu dùng tăng lên đột biến vì nắng nóng.

Ngoại trưởng Nhật Bản (phải) tại cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc (Ảnh: AP)

5. Tối 21/6, trong cuộc hội đàm diễn ra tại Thủ đô Tokyo Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đang ở thăm Nhật Bản đã thống nhất được việc sẽ hợp tác lẫn nhau, đặc biệt là được bảo lãnh từ phía Hàn Quốc liên quan tới việc Nhật Bản đăng ký xin công nhận di sản văn hóa thế giới đối với quần thể 23 di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị (hay còn gọi là Cải cách Minh Trị 1886-1889). 

Ngoài ra, hai bên cũng đã thỏa thuận được vấn đề Nguyên thủ hai nước sẽ lần lượt tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao được tổ chức tại Tokyo và Seoul vào ngày mai 23/6.

Hai Ngoại trưởng cũng đã thống nhất sẽ tiến hành thăm viếng lẫn nhau và thực hiện các cuộc hội đàm bên lề các Hội nghị quốc tế, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida sẽ thăm Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ điều chỉnh lịch thăm này trong năm 2015, đồng thời hy vọng sẽ có những nhận thức cởi mở hơn trong vấn đề nô lệ tình dục hồi chiến tranh thế giới thứ 2.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng đây là bước tiến mới quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước./.