Ông Tedros cho rằng, đã có “sự thúc đẩy quá sớm” về việc loại bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi những ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận. Giả thuyết này lần đầu bị WHO bác bỏ trong một báo cáo hồi tháng 3 khi cho rằng khả năng này "hoàn toàn không thể xảy ra".

"Bản thân tôi cũng là một kỹ sư phòng thí nghiệm. Tôi là một nhà dịch tễ học, tôi làm việc trong phòng thí nghiệm và những tai nạn phòng thí nghiệm có thể xảy ra. Điều này khá phổ biến. Tôi đã chứng kiến điều này xảy ra. Và bản thân tôi cũng đã mắc lỗi", ông Tedros cho hay.

"Bởi vì điều này có thể xảy ra nên việc kiểm tra những điều đã xảy ra, đặc biệt trong các phòng thí nghiệm là rất quan trọng. Nếu chúng ta có đầy đủ thông tin, chúng ta có thể loại bỏ khả năng đó (mối liên kết với phòng thí nghiệm)".

Trong những tháng gần đây, nhận định đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, và có lẽ liên quan đến một loại virus được điều chỉnh đã thu hút sự chú ý từ dư luận, đặc biệt sau khi Tổng thống Joe Biden yêu cầu tình báo Mỹ đánh giá chi tiết về khả năng này hồi tháng 5.

Trung Quốc đã bác bỏ mạnh mẽ giả thuyết trên, đồng thời cho rằng những nỗ lực liên kết nguồn gốc đại dịch Covid-19 với phòng thí nghiệm mang động cơ chính trị, cho rằng virus có thể bắt nguồn từ nước ngoài.

Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi nhưng con đường chính xác khi nó lây sang con người, qua một vật trung gian hay bằng cách nào đó, hiện vẫn chưa thể xác định. Có thể phải mất tới hàng thập kỷ để thu hẹp phạm vi nguồn gốc tự nhiên của những virus từ động vật như Ebola hay SARS.

Ông Tedros cho biết, "việc xem xét những điều đã xảy ra, đặc biệt trong phòng thí nghiệm, là rất quan trọng" để xác định liệu đại dịch có liên hệ với bất kỳ phòng thí nghiệm nào hay không.

"Chúng tôi cần thông tin, thông tin trực tiếp về những gì xảy ra trong phòng thí nghiệm này trước và trong khi bắt đầu đại dịch", Tổng giám đốc WHO cho hay, khẳng định sự hợp tác của Trung Quốc là rất cần thiết.

Năm ngoái, AP đưa tin, WHO cảm thấy bất lực khi thiếu thông tin chi tiết từ phía Trung Quốc vào thời kỳ đầu đại dịch bùng phát. Bắc Kinh cũng kiểm soát chặt chẽ cuộc truy tìm nguồn gốc của đại dịch.

Nhiều chuyên gia y tế đã kêu gọi một cuộc xác minh độc lập về nguồn gốc Covid-19, cho rằng WHO không có ảnh hưởng chính trị để giám định pháp y và cơ quan này không thể làm được gì trong hơn một năm qua trong việc thu thập thông tin quan trọng từ Trung Quốc.

Bất kỳ phái đoàn nào do WHO dẫn đầu tới Trung Quốc đều cần sự cho phép của chính phủ để nhập cảnh vào nước này hay đi tới các địa điểm nghiên cứu. Người đứng đầu cơ quan khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Michael Ryan trước đó cho biết, cơ quan này hoạt động dựa trên sự nhất trí chung và không thể ép buộc các quốc gia hợp tác.

Lời kêu gọi thông tin minh bạch của ông Tedros cũng được Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhắc lại khi hối thúc các quan chức Trung Quốc cho phép tiến hành điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19.

"Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của chính phủ cho tới nay kể từ đoàn công tác đầu tiên nhưng như vậy vẫn chưa đủ", Bộ trưởng Spahn đánh giá./.