Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 5/3 cho biết, Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) trong tuần tới sẽ phân phối 14,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tới 31 quốc gia nữa, nâng tổng số quốc gia được nhân vaccine theo cơ chế này lên trên 50.
Trong tuần này, cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu đã phân phối hơn 20 triệu vaccine ngừa Covid-19 tới 20 quốc gia và dự kiến trong tuần tới sẽ chuyển 14,4 triệu liều tới 31 quốc gia nữa. Mục tiêu là đảm bảo những quốc gia nghèo hơn cũng được tiếp cận với “chiếc phao cứu sinh” có thể đưa thế giới sớm thoát khủng hoảng này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cũng lo ngại nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch mới nếu mọi người vẫn duy trì tâm lý sai lầm rằng, việc tung ra vaccine trên toàn cầu cũng có nghĩa là cuộc khủng hoảng đã kết thúc.
Giám đốc Cơ quan khẩn cấp WHO Michael Ryan cảnh báo: “Tôi thực sự lo lắng trước tâm lý cho rằng chúng ta đã vượt qua khủng hoảng. Thực tế là không và các quốc gia hoàn toàn có nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ 3 hay thứ 4 nếu không cẩn thận. Chúng ta không nên lãng phí hi vọng mà vaccine mang lại khi hạ thấp cảnh báo ở những khu vực khác. Điều này thực sự quan trọng”.
Tới nay, 14 quốc gia tại Châu Phi, trong đó có Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gambia, Ghana, Côte d'Ivoire hay Kenya đã nhận được những liều vaccine đầu tiên thông qua cơ chế COVAX. Ở những nơi khác trên thế giới, Campuchia, Colombia, Ấn Độ, Moldova, Philippines và Hàn Quốc đã nhận được vaccine. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, lượng vaccine được phân phối vẫn còn khá khiêm tốn, bao phủ chỉ 2 đến 3% dân số ở những nước nhận được vaccine thông qua cơ chế này.
Nhằm đảm bảo không nước nào bị bỏ lại phía sau, WHO đang nỗ lực để kết nối các công ty sản xuất vaccine để cân đối lượng cung cầu và giúp tăng công suất bào chế vaccine, đồng thời kêu gọi chuyển giao công nghệ sản xuất từ các công ty đang sở hữu bản quyền tới các đơn vị có khả năng sản xuất.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Một trong những ưu tiên chính của chúng tôi hiện nay là tăng cường cơ chế COVAX để giúp tất cả các quốc gia chấm dứt đại dịch. Điều này có nghĩa là hành động khẩn cấp để tăng cường sản xuất. Chúng tôi hiện đang đối mặt với một số rào cản trong việc tăng tốc độ và khối lượng sản xuất vaccine từ cấm xuất khẩu đến thiếu nguyên liệu thô”.
Đáng chú ý, đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế đang nhận được sự quan tâm rộng rãi. Tổ chức Y tế Thế giới dự kiến sẽ họp bàn về vấn đề này vào ngày 10/3 tới./.