Delta, biến thể được xác định đầu tiên ở Ấn Độ, có thể "trở nên nguy hiểm hơn bởi nó có cách thức lây lan dễ dàng hơn và sẽ tìm tới những người dễ tổn thương khiến tình trạng bệnh của họ trở nên nghiêm trọng, phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong", Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO nhận định.
Ông Ryan cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới và các quan chức y tế công cộng có thể giúp bảo vệ những người dễ tổn thương nhất thông qua việc ủng hộ và phân phối vaccine Covid-19.
"Chúng ta có thể bảo vệ những người dễ tổn thương này và những nhân viên tuyến đầu nhưng thực tế chúng ta đã không làm vậy, như Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần về một thất bại thảm họa ở cấp độ toàn cầu".
WHO cũng cho biết hôm 18/6 rằng Delta là biến thể vượt trội khi chiếm hầu hết số ca mắc Covid-19 trên thế giới.
Tháng trước, WHO cảnh báo Delta là "biến thể gây lo ngại". Delta hiện đã thay thế Alpha, biến phể có khả năng lây nhiễm cao ở châu Âu và sau đó là Mỹ vào đầu năm nay, Tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine thuộc Viện Nhi Philadelphia cho hay.
Các nghiên cứu cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với Alpha, vốn đã dễ lây nhiễm hơn so với chủng virus ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
"Chúng ta cần tiêm vaccine ngay bây giờ. Mọi người đều cần được tiêm vaccine", ông Offit nhận định.
Biến thể Delta đã lây lan ra 92 quốc gia, người phụ trách kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove cho biết hôm 21/6. Nó chiếm ít nhất 10% những ca mắc mới ở Mỹ, và chiếm hơn 60% số ca mắc mới ở Anh.
Các quan chức WHO cũng cho biết đã có những báo cáo ghi nhận biến thể Delta gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn nhưng các khoa học cho rằng cần tiến hành thêm các nghiên cứu để xác nhận kết luận này. Dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy biến thể Delta có thể gây ra những triệu chứng khác so với những biến thể đã được biết tới.
Không có biến thể nào thực sự kết hợp giữa khả năng lây nhiễm cao và mức độ nguy hiểm nhưng biến thể Delta đã trở thành "biến thể có khả năng này nhất, nhanh nhất và mạnh nhất", WHO đánh giá.
"Biến thể này nhanh hơn, mạnh hơn và sẽ nhắm vào những người dễ tổn thương hơn so với các biến thể trước đó. Vì thế, nếu những người bị bỏ lại không được tiêm vaccine, họ sẽ đối mặt với những rủi ro ngày càng lớn", ông Ryan cho hay.
Bà Van Kerkhove thì cho rằng: "Thật không may, chúng ta vẫn chưa tiêm vaccine đúng nơi để bảo vệ mạng sống của mọi người".
WHO đang hối thúc những nước giàu, trong đó có Mỹ hỗ trợ vaccine Covid-19. Chính quyền Tổng thống Biden hôm 21/6 đã công bố kế hoạch cung cấp 55 triệu liều vaccine, chủ yếu được phân phối qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới./.