Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cho biết hôm 5/10 rằng, theo ước tính, cứ 10 người trên thế giới thì có 1 người có thể đã mắc Covid-19, cao hơn 20 lần so với số ca mắc được thống kê hiện nay, đồng thời cảnh báo về một giai đoạn khó khăn ở phía trước.
Phát biểu tại một phiên họp đặc biệt gồm 34 thành viên trong ban điều hành của WHO tập trung vào nỗ lực đối phó với Covid-19, ông Ryan cho biết số ca mắc Covid-19 rất khác nhau ở các khu vực thành thị và nông thôn, giữa các nhóm tuổi khác nhau nhưng rốt cuộc thì điều đó tức là "phần lớn thế giới vẫn phải chịu rủi ro". Quan chức WHO này cũng khẳng định đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục phát triển nhưng đã có các công cụ để hạn chế sự lây lan và cứu sống nhiều sinh mạng.
"Nhiều ca tử vong đã được ngăn chặn và nhiều sinh mạng được bảo vệ hơn", ông Ryan cho hay. Theo chuyên gia WHO, khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong khi châu Âu và Trung Đông chứng kiến số ca mắc tăng cao. Tình hình ở châu Phi và Tây Thái Bình Dương dường như "tích cực hơn". Dù vậy, nhìn chung thế giới vẫn đang "đối mặt với một giai đoạn khó khăn phía trước".
"Dịch bệnh tiếp tục lây lan. Số ca mắc vẫn tiếp tục tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới. Các ước tính hiện nay của chúng tôi cho thấy khoảng 10% dân số thế giới có thể đã mắc Covid-19".
Ước tính này, với 760 triệu người mắc Covid-19 so với dân số thế giới là 7,6 tỷ người, vượt xa con số thống kê hiện nay của WHO và Đại học Johns Hopkins là hơn 35 triệu ca. Từ lâu các chuyên gia đã nhận định rằng số ca mắc được thống kê thấp hơn nhiều so với số liệu thực tế.
Ông Ryan không trao đổi chi tiết về ước tính trên, song bác sĩ Margaret Harris, người phát ngôn của WHO cho biết tính toán trên dựa trên các nghiên cứu về kháng thể được tiến hành khắp thế giới. Theo bà Margaret Harris, khoảng 90% dân số vẫn chưa mắc bệnh tức là virus SARS-CoV-2 có "cơ hội" để lây lan rộng hơn "nếu chúng ta không hành động ngay để ngăn chặn việc này" qua biện pháp theo dõi tiếp xúc.
Tổng giám đốc WHO Tedros cũng nhận định: "Từ những điều chúng ta hiểu được về mỗi khu vực trên thế giới với sự lãnh đạo mạnh mẽ, các chiến lược toàn diện và rõ ràng, truyền thông nhất quán cũng như sự tham gia đồng lòng của người dân, việc này không bao giờ là quá trễ... Mọi tình huống đều có thể xoay chuyển và những chiến thắng khó khăn mới đạt được không thể dễ dàng đánh mất".
"Đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng cơ bản của việc đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ban đầu", ông Tedros khẳng định./.