Theo "Thời báo Tài chính" (Anh), những tiết lộ mới đây của cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden về chương trình giám sát thông tin của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã buộc chính phủ nhiều nước phải lên tiếng. Với Mỹ, đó là nhằm tự bảo vệ mình, còn với các nước Liên minh châu Âu (EU) là để bày tỏ mối lo ngại sâu sắc. 
nghe-len.jpg
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước có thể chịu ảnh hưởng lớn nhất từ vụ rò rỉ thông tin này, lại vẫn giữ im lặng. Khi được hỏi về vụ việc của Snowden, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói rằng chính phủ đã "lưu ý những thông tin truyền thông liên quan".
Từ lâu, im lặng đã được coi là "chiến lược" ưa thích của Trung Quốc khi giải quyết những rắc rối. Trong khi các chính phủ khác luôn cố gắng để lôi kéo dư luận quốc tế đứng về phía mình bằng cách tranh luận vụ việc một cách công khai và thông qua họp báo tiết lộ thông tin có chủ đích cho các phương tiện truyền thông thì Bắc Kinh lại chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung. 
Tuy nhiên, sự kiệm lời này không có lợi cho Trung Quốc. Việc Bắc Kinh không lên tiếng phản đối mạnh mẽ những cáo buộc của Mỹ rằng Chính phủ nước này đứng đằng sau các vụ gián điệp mạng nhằm vào các công ty nước ngoài đã khiến cho phương Tây nhìn nhận Trung Quốc như một đất nước luôn bỏ qua các giá trị chung và có thể tạo ra những mối đe dọa.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn cho rằng "im lặng là vàng". Chỉ trong vài ngày, vụ rò rỉ thông tin của Snowden đã làm lật ngược thế cờ trong vấn đề an ninh mạng đang nóng bỏng giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu Bắc Kinh phản ứng, nước này có thể trở thành nạn nhân trong chiến dịch bôi nhọ của Mỹ. Ở Mỹ và nhiều nước khác, những người theo chủ nghĩa tự do đang bị sốc và giận dữ khi Chính phủ Mỹ - từ lâu vẫn tự tuyên bố chủ trương ủng hộ tự do Internet và quyền riêng tư - đang bị cáo buộc bí mật theo dõi các công dân nước này một cách có hệ thống và bảo trợ các hoạt động đánh cắp dữ liệu qua mạng bất hợp pháp.
Giáo sư Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói: "Trước đó, Trung Quốc cho rằng nước này bị tấn công mạng từ Mỹ, nhưng Bắc Kinh không khẳng định nước này bị tấn công bởi Chính phủ Mỹ. Hiện giờ, Trung Quốc không cần phải nói điều đó nữa vì đã có người khác nói hộ rồi. Đó là việc rất tốt đối với Trung Quốc và làm tăng thêm sự tự tin của Trung Quốc". Giáo sư Shi tin rằng những tiết lộ của Snowden sẽ có lợi cho quan hệ Trung-Mỹ bởi cuối cùng những cáo buộc này đã làm cho hai nước trở nên "ngang hàng" với nhau trong vấn đề tấn công mạng. 
Theo Giáo sư Shi, Washington đã bị mất khá nhiều đòn bẩy để công khai nêu đích danh và bêu riếu Trung Quốc về vấn đề đánh cắp dữ liệu qua mạng. Ông Shi nhận định: "Nếu các quan chức Mỹ dừng công khai chỉ trích Chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ không nói gì về các vụ tấn công mạng của Mỹ nhằm vào nước này".
Điều này không có nghĩa là cuộc tranh cãi về an ninh mạng sẽ kết thúc. Ngược lại, nó chỉ vừa mới bắt đầu. Một nhóm chuyên gia thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tuần trước đã nhất trí rằng cần phải thúc đẩy đối thoại quốc tế về vấn đề này. Bà Eneken Tikk-Ringas, chuyên gia về an ninh mạng thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói: "Vụ Snowden rất có lợi cho Trung Quốc và chắc chắn nó sẽ điều chỉnh lại các cuộc đối thoại này, tuy nhiên sự thay đổi chủ yếu phụ thuộc vào dư luận".
Nhiều quan chức phương Tây kín đáo thừa nhận rằng các hoạt động giám sát trên mạng Internet như những gì Snowden tiết lộ là việc làm bình thường và hợp pháp ở nhiều quốc gia. Mỹ khẳng định chương trình giám sát thông tin của nước này là nhằm ngăn chặn những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia như nạn khủng bố. Trong khi đó, luật pháp Trung Quốc cho phép các nhà chức trách truy tìm và bỏ tù các công dân vì tội phỉ báng thông qua các thông tin trên mạng mà các công ty cung cấp theo yêu cầu. 
Các chuyên gia cho rằng vụ rò rỉ thông tin của Snowden không làm giảm bớt những cáo buộc ăn cắp dữ liệu trước đó của Mỹ đối với Trung Quốc. Bà Tikk-Ringas nhận định: "Sự mâu thuẫn giữa hai chính phủ sẽ vẫn còn và về cơ bản, người dân hiểu rõ những gì Chính phủ Mỹ đã làm và những gì Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc, đó là hai việc khác nhau".
Hiện ngày càng có nhiều sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế rằng hoạt động gián điệp cổ điển, việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân khỏi các chính phủ quá "tọc mạch" và việc đánh cắp sở hữu trí tuệ cũng như các tài sản khác qua mạng Internet là ba vấn đề cần phải thảo luận riêng rẽ. 
Chính phủ Trung Quốc đang bị cáo buộc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các công ty ở nước ngoài trên quy mô lớn rồi phân phối lại cho các công ty trong nước. Khi các cuộc tham vấn quốc tế về an ninh mạng có được động lực cần thiết, các hoạt động như vậy sẽ lại sớm trở thành mục tiêu chỉ trích./.