Ngày 19/6, Nhóm Điều tra hỗn hợp quốc tế (JIT) về vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines năm 2014, đã ra thông báo truy tố 4 nghi can, bị cáo buộc bắn rơi chiếc máy bay này. Trong số các nghi can, có 3 người là công dân Nga và 1 người là công dân Ukraine.
Tuy nhiên, Nga đã ngay lập tức bác bỏ kết luận của Nhóm điều tra, cho rằng việc truy tố các công dân Nga với những cáo buộc “vô căn cứ” nhằm mục đích hạ thấp uy tín của Nga trên trường quốc tế.
Một mảnh vỡ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia gặp nạn ở Ukraine. Ảnh: 112 International |
Ngay sau thông báo của Nhóm Điều tra hỗn hợp quốc tế, cáo buộc 3 công dân Nga có liên quan đến vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia năm 2014, Bộ Ngoại giao Nga lập tức ra tuyên bố bác bỏ kết luận về trách nhiệm của binh sĩ Nga trong vụ việc.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, việc Nhóm Điều tra quốc tế hỗn hợp cáo buộc 3 công dân Nga bắn rơi máy bay là hoàn toàn vô căn cứ; đồng thời nhấn mạnh mục đích của cáo buộc là nhằm gây tổn hại uy tín của Nga trong cộng đồng quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao Nga, không một bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng thực kết luận nói trên, trong khi Nhóm Điều tra quốc tế hỗn hợp lại phớt lờ những dữ liệu thông tin mà Moscow cung cấp trước đó.
Tuyên bố nhấn mạnh, những quan ngại của Nga về tính khách quan của cuộc điều tra là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, Nga khẳng định vẫn sẽ sẵn sàng hỗ trợ công tác điều tra nhằm làm rõ vụ tai nạn máy bay MH17 và đưa những kẻ chủ mưu ra xét xử trước pháp luật.
Trước đó cùng ngày, tại một cuộc họp báo ở Hà Lan, Trưởng Công tố Hà Lan Fred Westerbeke cho biết, các nhà điều tra quốc tế đã thu thập đủ bằng chứng cho thấy Nga đã cung cấp bệ phóng tên lửa, được sử dụng để bắn hạ chiếc máy bay chở khách MH17, khi chiếc máy bay này di chuyển qua khu vực miền Đông Ukraine năm 2014.
“Hôm nay, tôi có thể khẳng định, tiến trình điều tra đã đi tới giai đoạn quan trọng. 4 đối tượng sẽ bị truy tố vì đã đưa loại vũ khí gây ra thảm kịch, hệ thống tên lửa Buk Telar vào miền Đông Ukraine. Chúng tôi sẽ phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với những đối tượng này. Họ cũng sẽ bị đưa vào danh sách truy nã quốc gia và quốc tế. Do đó, chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết thông tin và hình ảnh của 4 đối tượng”, ông Fred Westerbeke nói.
Cụ thể, nghi can người Ukraine có tên là Leonid Kharchenko; 3 người mang quốc tịch Nga là Oleg Pulatov, Igor Girkin và Sergey Dubinsky. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, ông Igor Girkin là Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa Donetsk tự xưng, trong khi 3 người còn lại thuộc cơ quan tình báo quân đội (GRU) của Donetsk.
Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử 4 nghi can sẽ diễn ra tại một địa điểm được bảo vệ cẩn mật ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan vào ngày 9/3/2020. Tuy nhiên, nhiều khả năng, đây chỉ là phiên tòa xét xử vắng mặt các bị cáo.
Trước đó, ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine. Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu là người Hà Lan.
Một báo cáo của Ủy ban điều tra vụ tai nạn (gồm đại diện của 5 nước Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine) công bố tháng 9/2016 kết luận rằng máy bay đã bị bắn bởi một tên lửa Buk do Nga sản xuất, từ một khu vực ở Đông Ukraine do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Nhà chức trách Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, Nga và những người đứng đầu lực lượng nổi dậy ở Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát.
Ngày 17/9/2018, Bộ Quốc phòng Nga công bố nội dung băng ghi âm trao đổi qua điện thoại giữa giới chỉ huy quân sự Ukraine cho thấy Kiev có liên quan đến vụ bắn rơi chiếc máy bay xấu số MH17./.