Cuộc họp khẩn cấp ngày 4/4 của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) được triệu tập theo đề nghị của Nga với tư cách là một thành viên của tổ chức này. Nga muốn làm rõ phía Anh đã cung cấp được những bằng chứng gì cho OPCW, những thanh sát viên quốc tế nào được tiếp cận hiện trường vụ tấn công tại thành phố Salisbury, Anh, những nhân chứng mà các thanh sát viên này đã tiếp xúc cũng như các mẫu vật đang được phân tích.

diep_vien_nga_sdql.jpg
Tại cuộc họp khẩn của OPCW, Nga đã đề xuất điều tra chung đối với vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal ngày 4/3 tại Salisbury của Anh. Ảnh: Business Insider

Khẩu chiến gay gắt

Tại cuộc họp này, Nga đã đề xuất điều tra chung đối với vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal ngày 4/3 tại Salisbury của Anh. Để được thông qua, sáng kiến này cần phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 nước thành viên Hội đồng Chấp hành OPCW.

Đề xuất của Nga chỉ nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, Azerbaijan, Sudan, Algeria và Iran. Trong khi đó, Anh, Mỹ và các thành viên NATO và EU tại OPCW đều bỏ phiếu phản đối.

Ngoài đề nghị điều tra chung, phía Nga còn yêu cầu Anh phải đưa ra được bằng chứng chứng minh cho những cáo buộc nhằm vào Nga. Tuy nhiên, phái đoàn Anh tham gia cuộc họp của OPCW cho rằng đề nghị của Nga về một cuộc điều tra chung Anh - Nga xung quanh vụ cựu điệp viên Skripal là hành động “ngoan cố".

Sau khi OPCW bác đề xuất của Nga, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an tiến hành một cuộc họp mở về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tại Anh.

Nga sẽ gửi cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một bức thư làm rõ lập trường về vụ Skripal.

Đại sứ Nga tại OPCW Aleksander Shulgin nói rằng, việc các nước bỏ phiếu ủng hộ hoặc vắng mặt tại cuộc họp khẩn cấp của OPCW đã cho thấy hơn nửa thành viên của tổ chức này không ủng hộ quan điểm của phương Tây liên quan đến vụ Skripal.

OPCW đã nhận được các mẫu vật từ vụ Salisbury và dự kiến sẽ công bố kết quả vào tuần tới. Tuy nhiên, ông Shuglin nói rằng nếu Moscow không được tham gia vào cuộc kiểm tra mẫu vật chất độc thần kinh ở Salisburry, họ có thể bác bỏ kết quả của OPCW.

Ai đang đánh lạc hướng?

Tại cuộc họp của OPCW, phía Anh khẳng định, việc Nga yêu cầu triệu tập cuộc họp này chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận và gây cản trở cho cuộc điều tra của OPCW.

Tuy nhiên, điều đáng nói là,trước khi cuộc họp này diễn ra chỉ 1 ngày, người đứng đầu Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quốc phòng tại Porton Down thuộc Bộ Quốc phòng Anh, ông Gary Aitkenhead, đã thừa nhận, các nhà khoa học Anh chưa thể khẳng định chất độc trong vụ tấn công tại Salisbury có nguồn gốc từ Nga.

Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với những gì Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đưa ra trước đó cùng ngày. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Deutsche Welle của Đức, khi được hỏi Chính phủ Anh đã làm thế nào để có thể kết luận một cách nhanh chóng về việc chất độc bị nghi sử dụng trong vụ tấn công có nguồn gốc từ Nga, Ngoại trưởng Anh lại nhấn mạnh đến vai trò của các thông tin do phòng thí nghiệm Porton Down cung cấp cho chính phủ nước này.

Trong khi đó, sau cuộc họp khẩn của OPCW, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow không nhận được phản ứng thỏa đáng từ OPCW liên quan đến việc điều tra vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh. Ông khẳng định những câu hỏi mà Nga chuyển cho OPCW hoàn toàn có lý, đúng luật và hợp lẽ. Moscow không thể tưởng tượng được “chính OPCW ngày càng bị cuốn sâu vào những trò chơi chính trị của Anh và các đồng minh”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nhấn mạnh, thông qua việc cáo buộc Nga dính líu đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Skripal, phương Tây đang mưu toan loại Moscow khỏi danh sách các nước tham gia thảo luận về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria. 

Theo bà, Nga đã đề xuất hợp tác với phương Tây để điều tra các buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad vi phạm luật pháp quốc tế do sử dụng vũ khí hóa học, song phương Tây đang tìm cách đẩy Nga ra khỏi phạm vi pháp lý thảo luận những vấn đề vũ khí hóa học Syria bằng cách bịa ra câu chuyện Nga sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Anh./.