Ngày 18/3, 10 ngày sau khi chiếc máy bay Boeing777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích đầy bí hiểm, quân đội Thái Lan cho biết, radar quân sự của nước này đã bắt được tín hiệu có thể là của chiếc máy bay bị mất tích nhưng không thông báo vì “không chú ý đến nó”.

mh370-pray1.jpg
Nhiều người vẫn đang cầu nguyện và hy vọng vào một phép màu giúp MH370 được an toàn (Ảnh: AP)

Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn với sự tham gia của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm cả Thái Lan đã được triển khai nhưng cho đến nay vẫn chưa thu được kết quả.

Phía Malaysia cho biết, hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích hiện bao trùm một khu vực thậm chí rộng hơn toàn bộ lãnh thổ đất liền của Australia.

Hãng tin APdẫn lời Trung tá William Marks, một phát ngôn viên của Hạm đội 7 Mỹ cho biết, việc tìm kiếm chiếc máy bay giống như đang cố gắng để xác định vị trí của một vài người ở đâu đó giữa New York và California.

Ngay từ đầu, các quan chức Malaysia cho biết, họ nghi ngờ chiếc máy bay đã chuyển hướng, bay về phía eo biển Malacca, phía tây Malaysia. Tuy nhiên, cũng phải mất một tuần sau, Malaysia mới phân tích xong các dữ liệu radar quân sự xác nhận thông tin trên.

Theo thông tin mới được phía Thái Lan công bố, radar quân sự nước này đã phát hiện tín hiệu của một chiếc máy bay (có thể là MH370) di chuyển về hướng eo biển Malacca, ít phút sau khi chiếc máy bay của Malaysia biến mất trên màn hình radar kiểm soát không lưu.

Phát ngôn viên của lực lượng Không quân Thái Lan, ông Montol Suchookorn nói rằng, quân đội Thái Lan không rõ chiếc máy bay mà nước này phát hiện có phải là MH370 hay không.

Việc Thái Lan chậm trễ chia sẻ thông tin về chiếc máy bay bị mất tích có thể không thay đổi đáng kể những gì Malaysia đã biết nhưng nó đặt ra những câu hỏi về mức độ chia sẻ thông tin liên quan đến lĩnh vực quốc phòng giữa các quốc gia.

Các chuyên gia an toàn hàng không cho rằng, nếu các nước chia sẻ dữ liệu radar, dù chỉ là ở mức độ tối thiểu thì có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Trên thực tế, ban đầu, hoạt động tìm kiếm cứu nạn đã được tập trung ở Biển Đông, nơi máy bay mất tín hiệu và sau đó là ở khu vực Ấn Độ Dương.

Bình luận về vấn đề trên, ông John Goglia, một cựu thành viên của Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cho rằng, việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến an ninh quốc phòng là rất khó, tuy nhiên, đây là một trường hợp đặc biệt quan trọng cần đến sự phối hợp của nhiều nước liên quan.

Trong khi đó, ông Scott Hamilton, giám đốc công ty quản lý tư vấn hàng không Leeham có phần gay gắt hơn khi cho rằng, “thật kỳ lạ khi họ (Thái Lan) không tiết lộ những thông tin này ngay từ đầu. Thông tin được đưa ra quá muộn nên không có tác dụng cho việc tìm kiếm… Có lẽ cả Thái Lan và Malaysia cần phải có những cuộc tập dượt để tăng cường năng lực xử lý tình huống”.

Cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích vẫn đang tiếp tục (Ảnh: Malaysia Insider)

Trước đó, trong một thông báo đưa ra ngày 18/3, Phát ngôn viên của lực lượng Không quân Thái Lan, ông Montol Suchookorn cho hay: “Radar quân sự Thái Lan đã phát hiện tín hiệu bất thường của một chiếc máy bay, bay ngược chiều so với đường bay của chuyến bay MH370. Chiếc máy bay này bay về phía Kuala Lumpur, sau đó rẽ phải về phía Butterworth – một thành phố của Malaysia gần eo biển Malacca. Radar của Thái Lan không xác dịnh được dữ liệu cũng như số hiệu của chiếc máy bay nói trên”.

Khi được hỏi tại sao phía Thái Lan lại chậm trễ công bố thông tin, ông Montol nói: “Bởi vì chúng tôi không để ý đến nó. Không quân Hoàng gia Thái Lan chỉ quan tâm đến bất kỳ mối đe dọa nào với đất nước chúng tôi”.

Ông cũng cho biết, chiếc máy bay này không tiến vào không phận Thái Lan và yêu cầu cung cấp thông tin của phía Malaysia trong những ngày đầu tìm kiếm là “không cụ thể”.

Ông Montol nói thêm: “Ngay sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak đề nghị chúng tôi cung cấp thêm những thông tin mới (nếu có), chúng tôi đã xem xét thông tin mà chúng tôi có được thêm một lần nữa”.

Trong khi các nước vẫn đang nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích, ngày 17/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Trong cuộc điện đàm, ông Lý Khắc Cường yêu cầu phía Malaysia cung cấp dữ liệu chi tiết và thông tin về chuyến bay MH370 một cách kịp thời, chính xác, toàn diện.

Thủ tướng Trung Quốc cho rằng, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Ông Lý nói: “Mặc dù tình hình ngày càng phức tạp, quy mô tìm kiếm mở rộng và khó khăn chồng chất, nhưng miễn là còn hy vọng thì chúng ta còn tiếp tục nỗ lực hết sức".

Ông Lý Khắc Cường cũng bày tỏ hy vọng, Chính phủ Malaysia sẽ tiến hành tìm kiếm và điều tra song song, bên cạnh đó là việc phối hợp với Malaysia Airlines để động viên thân nhân của các hành khách trên máy bay mất tích./.