Bước đi được xem là minh chứng rõ ràng nhất cho thiện chí hòa giải, hòa bình của Tổng thống Maduro trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở trong nước, cũng như những sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài.

maduro_1_dvaf.jpg
Tổng thống Nicolas Maduro cảnh báo chống lại mọi “âm mưu” chống phá chính quyền Venezuela. Ảnh: Hurriyet 

Phát biểu với báo chí tại dinh Tổng thống ở thủ đô Caracas, Tổng thống Maduro tuyên bố, nhóm tù nhân đầu tiên đã được hưởng lợi từ chính sách hòa bình và ông muốn mở rộng hơn nữa. Theo Tổng thống NicolasMaduro, đây là bước đi nhằm cụ thể hóa chính sách hỏa giải mà ông mong muốn và đang theo đuổi, là thông điệp hòa bình và thiện chí rõ ràng nhất gửi tới các phe nhóm đối lập.

Người đứng đầu Nhà nước Venezuela cũng cảnh báo chống lại mọi “âm mưu” chống phá chính quyền: “Việc thả tự do cho những nhân vật đối lập bị bắt giữ là thông điệp hòa bình và thiện chí mà chính phủ muốn gửi đi.  Tuy nhiên, bất kỳ ai âm mưu tìm kiếm những con đường nằm ngoài Hiến pháp, với cái cớ hòa bình để lật đổ các thể chế hợp pháp sẽ phải nhận sự trừng phạt của pháp luật”.

Trong số 40 tù nhân được thả tự do có ông Daniel Ceballos, 34 tuổi, cựu thị trưởng thành phố San Cristobal, miền Tây Venezuela bị bắt hồi tháng 3/2014 khi tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên, sau khi được thả tự do, ông này hàng tháng đều sẽ phải trình diện chính quyền và không được phép rời khỏi Venezuela, cũng như phát ngôn trên các mạng xã hội.

Phát biểu trước các tù nhân vừa được thả tự do, Chủ tịch Hội đồng lập hiến Venezuela Delcy Rodriguez tuyên bố, cuộc khủng hoảng tại Venezuela phải do chính người Venezuela giải quyết, mà không có bất kỳ sức ép nào hay sự can dự nào từ bên ngoài.

Đối với Tổng thống Nicolas Maduro, việc giải phóng cho các tù nhân đối lập là một phần quan trọng trong nỗ lực, mà theo ông nhằm vượt qua những tổn thương do các cuộc biểu tình và âm mưu chống phá chính quyền gây ra. Đây sẽ là minh chứng rõ nhất cho thiện chí hòa giải, hòa bình của chính quyền trong bối cảnh Venezuela đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh phương Tây sau khi tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng trước. Mỹ, Liên minh châu Âu và 13 quốc gia Mỹ Latin đã không công nhận kết quả cuộc bầu cử.

Trong phát biểu ngày hôm qua, Tổng thống Maduro cũng kêu gọi những nước này chấm dứt các hành vi “đàn áp tài chính” đối với Venezuela: “Chúng ta phải yêu cầu thế giới chấm dứt cuộc đàn áp tài chính nhằm vào Venezuela, nhằm vào các hàng hóa nhập khẩu của chúng tôi, đóng băng các tài khoản. Họ đang tìm cách để không ai trên thế giới dám giao dịch với chúng tôi”.

Không như ở các quốc gia khác, giới chức lãnh đạo có thể trông đợi vực dậy nền kinh tế bằng các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, tăng cường đầu tư… Song, chính quyền Venezuela lại đang phải đối mặt sự bao vây cấm vận của Mỹ, khiến các nước láng giềng và đối tác trong khu vực không thể hợp tác với Venezuela.

Từ tháng 8/2017, Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân có quan hệ với Chính phủ Venezuela. Từ một quốc gia thịnh vượng nhờ dầu mỏ, là thành viên hàng đầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Venezuela đã chịu tổn thất nặng nề do dầu rớt giá và chính sách kinh tế không kịp thích ứng./.