Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Plos One ngày 4/8, phân tích hồ sơ y tế điện tử của hơn 74.700 người ở Mỹ, Ang, Italy, Đức, Israel và Singapore từng mắc Covid-19. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người đã từng tiêm vaccine cúm trong vòng 6 tháng trước đó ít gặp các biến chứng phức tạp Covid-19 gây ra.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người không tiêm vaccine cúm có nguy cơ phải điều trị ICU cao hơn 20%, khả năng phải dùng tới phòng cấp cứu cao hơn 58%, khả năng nhiễm trùng cao hơn 45%, khả năng đột quỵ cao hơn 58% và khả năng bị huyết khối tĩnh mạch cao hơn 40% so với những người đã tiêm vaccine cúm.
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan nào giữa việc tiêm vaccine cúm với việc giảm nguy cơ tử vong do Covid-19.
Nghiên cứu mới này có kết quả tương tự với một số nghiên cứu trước đây về mối liên quan giữa vaccine cúm với khả năng ít biến chứng do Covid-19.
Tuy nhiên, việc ít gặp biến chứng nặng do Covid-19 ở những người đã tiêm vaccine cúm không có nghĩa là vaccine cúm có khả năng bảo vệ người tiêm trước virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, các vaccine cúm cũng thay đổi theo mùa cúm, và hiện chưa rõ loại vaccine phát triển cho mùa cúm 2020-2021 có liên quan tới việc giảm nguy cơ biến chứng nặng do Covid-19 như vaccine cúm của mùa 2019-2020 hay không.
Nhóm tác giả của nghiên cứu cũng nhấn mạnh, cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu về mối liên quan này./.