Những diễn biến nguy hiểm trên biển Đông và cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Việt Nam đã khiến UNESCO và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ - vốn rất ít có ý kiến đối với các cuộc xung đột - lên tiếng qua Công hàm chính thức gửi Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh hai tổ chức này. 

cong-ham-2.jpg
Công hàm của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ

Công hàm của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ghi ngày 6/6 vừa được gửi cho Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh tổ chức này, chỉ ít phút sau cuộc gặp và làm việc của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Abdou Diouf.

Công hàm nêu rõ : "Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ghi nhận Công hàm ngày 15/5 của phái đoàn thường trực Việt Nam cùng Bản ghi nhớ liên quan đến những diễn biến gần đây tại biển Đông. Tổ chức quốc tế Pháp ngữ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc gia tăng căng thẳng trong khu vực và kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại và tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế".

Công hàm của UNESCO

Trước đó, Tổ chức UNESCO cũng gửi Công hàm với quan điểm tương tự đến phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh tổ chức này.

Công hàm của UNESCO nêu rõ: "UNESCO cùng với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bày tỏ sự quan ngại trước việc gia tăng căng thẳng trong khu vực và đề nghị tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Trả lời phóng viên VOV thường trú tại Pháp, Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh: Hai tổ chức này rất hiếm khi trả lời Công hàm bày tỏ quan điểm về những vấn đề căng thẳng nhạy cảm; nhưng lần này có Công hàm về vấn đề biển Đông là sự kiện đặc biệt.
Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ 

"Đây là hai tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc nên ít đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, nhất là những vấn đề lớn nhạy cảm - đó là tranh chấp lãnh thổ. Tổ chức quốc tế Pháp ngữ là tổ chức dựa trên cơ sở ngôn ngữ, còn UNESCO chuyên về khía cạnh văn hóa. Hai tổ chức chuyên môn nhưng đã trả lời chúng ta về sự kiện nhạy cảm này. Đặc biệt, sự kiện này không chỉ là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam mà còn là sự đe dọa đối với an ninh khu vực cũng như hòa bình và sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Nội dung của hai Công hàm đều quan ngại đối với việc căng thẳng ngày càng gia tăng, yêu cầu các bên liên quan đàm phán hòa bình và giải quyết bằng con đường hòa bình, thương lượng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó cũng là điều mà Việt Nam mong muốn. Chúng ta muốn yêu cầu, đầu tiên Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta và hai bên sẽ thương lượng, tuân thủ những nguyên tắc của luật pháp quốc tế".
Được biết, cùng với Công hàm gửi đến phái đoàn thường trực của Việt Nam, UNESCO và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã cho lưu hành Bản ghi nhớ của Việt Nam về tình hình trên biển Đông giữa các nước thành viên của hai tổ chức này./.