28 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, trong đó có Thủ tướng Pháp Jean Castex, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Giáo hoàng Francis hay Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi… đã có bài phát biểu ca ngợi những đóng góp của UNESCO trong 75 năm qua trên các lĩnh vực thúc đẩy phổ cập giáo dục, bảo vệ di sản văn hóa các quốc gia, đẩy mạnh sự phát triển khoa học và đặc biệt là tạo môi trường hòa bình, thúc đẩy giao lưu giữa các quốc gia trên toàn thế giới, vì một thế giới nhân văn và công bằng hơn.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đánh giá, trong 75 năm qua UNESCO đã là cầu nối quan trọng giúp các nền văn hóa, các quốc gia đối thoại và hiểu nhau hơn, bảo vệ Trái Đất tốt hơn, thúc đẩy các sáng kiến khoa học tham vọng hơn. Tất cả những điều này sẽ ngày càng trở nên có ý nghĩa cấp bách hơn, trong bối cảnh nhân loại bước vào một thời kỳ với nhiều thách thức lớn chưa từng có.
“Vào thời điểm hiện nay khi có quá nhiều sự bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường, thế giới phân cực và dịch bệnh toàn cầu, vai trò của UNESCO càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là tái lập lại niềm tin và sự đoàn kết, để đảm bảo một sự tiếp cận giáo dục lớn hơn cho tất cả mọi người, thúc đẩy đa dạng văn hóa và hướng các tiến bộ công nghệ vào mục đích tốt đẹp hơn” - ông Antonio Guterres nói.
Trong sáng 12/11, phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 41 Hội nghị chung của UNESCO, đại diện của Việt Nam cũng đã có những đánh giá cao đóng góp và vai trò của UNESCO trong nhiều năm qua. Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, trong 75 năm qua, UNESCO có thể tự hào vì đã có nhiều đóng góp cho hòa bình, phát triển bền vững trên thế giới theo cách của mình là bảo tồn những giá trị tốt đẹp của quá khứ, đồng hành với sự phát triển của hiện tại và xây dựng tầm nhìn cho tương lai.
Ông Mai Phan Dũng cũng nhận định, quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO rất tốt đẹp, có thể được tóm tắt bằng ba từ “toàn diện, thực chất và hiệu quả” nhờ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đúng vào những nội dung mà Việt Nam quan tâm và mang lại kết quả thực chất. Hợp tác Việt Nam - UNESCO cũng đã được nâng lên cấp độ mới nhân dịp chuyến thăm UNESCO của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 5/11/2021 vừa qua và hai bên đã ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021 - 2025.
Về hướng phát triển sắp tới của UNESCO, Việt Nam cũng đã đưa ra một số đề xuất quan trọng về định hướng hoạt động hợp tác khoa học, giáo dục và văn hóa của tổ chức. Việt Nam cũng sẽ ứng cử vào Hội đồng chấp hành của UNESCO nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Trong tối ngày 12/11, tháp Eiffel ở thủ đô Paris, nằm ngay cạnh trụ sở chính của UNESCO cũng đã thắp sáng biểu tượng và dòng chữ UNESCO trong hơn 3 tiếng để kỷ niệm ngày thành lập của tổ chức này./.