Hôm qua (14/9), đụng độ giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe đối lập ở thành phố miền Đông Donetsk tiếp tục leo thang bất chấp lệnh ngừng bắn giữa 2 bên. Cùng ngày, chính phủ Ukraine cho biết một số nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu chuyển vũ khí cho quân đội nước này, một động thái báo trước bạo lực có thể leo thang trở lại ở miền Đông.

bo_truong_quoc_phong_va_tong_thong_ukraine_faaf.jpgBộ trưởng Quốc phòng Ukraine (trái) và Tổng thống Poroshenko (ảnh: Getty)
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được hôm 5/9 vừa qua đã giảm đáng kể các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ với lực lượng đối lập song vẫn xảy ra xung đột vũ trang hàng ngày ở miền Đông. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valery Heletey cho biết, Ukraine đang bắt đầu tiếp nhận vũ khí theo thỏa thuận chính phủ nước này đạt được với một số nước thành viên NATO bên lề Hội nghị thượng đỉnh của khối ở Anh hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên ông Heletey không công bố chi tiết về danh sách các nước tài trợ quân sự cho chính phủ Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Heletey nêu rõ: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận trong các cuộc đối thoại kín về nhiều vấn đề trong đó có những vũ khí mà chúng tôi cần. Tôi không có thẩm quyền công bố những nước đã đạt được thỏa thuận này với Ukraine nhưng thực tế là những vũ khí đó đang trên đường đến đây. Đó là sự thật mà tôi có thể chính thức công bố”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết, chiến dịch giải phóng miền Đông khỏi lực lượng mà ông gọi là “khủng bố” đã kết thúc và hiện tại quân đội Ukraine đang cần những vũ khí “để có thể chống lại Nga”.

Bên cạnh đó, ông Heletey cũng tuyên bố Ukraine sẽ xem xét phương án chế tạo vũ khí hạt nhân để “tự bảo vệ” nếu cộng đồng quốc tế không giúp đỡ.

Sau sự kiện thay đổi quyền lực tại Kiev, nhiều chính khách các đảng phái Ukraine đã kêu gọi khôi phục kho vũ khí hạt nhân. 

Phản ứng trước tuyên bố trên, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chính phủ Ukraine nên xem lại tư cách Bộ trưởng Quốc phòng của ông Heletey khi đưa ra những phát ngôn như vậy. Phát biểu với báo giới trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo, việc NATO mở rộng, lôi kéo các nước láng giềng của Nga làm đồng minh là điều “không thể chấp nhận được”.

Ông Lavrov cho biết, Nga hy vọng mỗi nước đều tuân thủ các thỏa thuận về đảm bảo một nền an ninh toàn diện và không thể chia cắt tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, trong đó thỏa thuận cam kết rằng NATO sẽ không mở rộng sang hướng Đông đóng một vai trò quan trọng. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh quy chế không liên kết của Ukraine được nêu rõ trong Hiến pháp nước này là một vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Nga.

Thực tế, theo ý kiến các chuyên gia, về phương diện pháp lý lẫn kỹ thuật Ukraine không thể phát triển vũ khí hạt nhân. Theo hiệp ước Budapes năm 1994, Ukraine đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ để đổi lại cam kết an ninh từ 3 nước Mỹ, Nga và Anh./.