Dùng bạo lực để xử lý “khủng hoảng” thì không bảo đảm sự ổn định, nếu không muốn nói là có thể đẩy đất nước Ukraine đến nội chiến. Một khi nội chiến xảy ra, Nga sẽ không thể đứng ngoài cuộc nếu cuộc sống của người dân Nga bị đe dọa. Và khi đó sẽ có thể kéo theo những hệ lụy khó lường về những đối đầu của các lực lượng bên ngoài Ukraine.Biên tập viên VOV đã có cuộc trao đổi với nhà báo Điệp Anh, thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Nga về những diễn biến mới ở miền Đông, Nam Ukraine, cũng như những động thái của chính phủ tạm quyền của Ukraine, Nga và các nước phương Tây.
BTV:Dư luận thế giới những ngày qua hết sức quan tâm đến tình hình căng thẳng tại một số tỉnh miền Đông Ukraine. Chị có thể cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình tại đây?

Nhà báo Điệp Anh: Theo dõi tin tức ngày và đêm hôm qua, hẳn chúng ta đều thấy nguy cơ leo thang bạo lực rất rõ tại Ukraine. Dù hành động biểu tình, tấn công các tòa nhà hành chính chỉ diễn ra ở một phạm vi rất hẹp của các tỉnh, thành phố… nhưng nó lại là mấu chốt để gia tăng căng thẳng với những diễn biến rất khó lường.

ukraine3.jpg
Bạo lực leo thang tại Ukraine (Ảnh: Reuters)

Ở Kharkov và Donetsk, người biểu tình đã chiếm các tòa nhà hành chính, treo cờ Nga và tuyên bố thành lập nước cộng hòa độc lập, tách khỏi Ukraine. Còn ở thành phố Lugansk và Nikolayev cũng đã diễn ra các hành động bạo lực.

BTV: Trước tình hình leo thang căng thẳng tại các tỉnh miền Đông, chính phủ tạm quyền Ukraine đã tiến hành một loạt bước đi khẩn cấp, như tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp đối phó cứng rắn, tăng cường trách nhiệm hình sự với các hoạt động ly khai… Có vẻ như chính phủ tạm quyền Ukraine đang hết sức lo ngại về một kịch bản lặp lại như Crimea?

Nhà báo Điệp Anh:Với thực tế đã diễn ra ở Crimea cùng quan điểm cứng rắn của Nga về việc bảo vệ công dân Nga trên toàn thế giới, Nghị viện Nga đã cho phép Tổng thống Nga Putin có quyền đưa quân ra khỏi lãnh thổ để thực hiện bảo hộ công dân. Do đó, không chỉ chính phủ tạm quyền Ukraine mà cả Mỹ và phương Tây cũng đang lo ngại về một kịch bản lặp lại như Crimea.

Mặt khác, việc chính phủ tạm quyền Ukraine có những hành động cứng rắn sẽ càng làm tăng sự “lo ngại”. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, sẽ khó có một kịch bản lặp lại như Crimea. Có chăng, Nga sẽ “tạo cơ hội” để người dân Ukraine thực hiện ý nguyện của mình như kiểu của Abkhazia, Nam Ossetia hồi 2008. Nhưng bao trùm lên trên hết vẫn là khả năng về một Nhà nước Liên bang ở Ukraine.

BTV: Trước các diễn biến căng thẳng tại các tỉnh miền Đông Ukraine, dư luận thế giới lại tiếp tục đổ dồn sự chú ý về Nga. Cho đến thời điểm  này, phía Nga đã có phản ứng như thế nào?

Nhà báo Điệp Anh: Nga đã có động thái cùng với các nước tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine như cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga với Cao ủy EU, lên tiếng kêu gọi các bên ở Ukraine tổ chức đối thoại, cảnh báo việc có thể nổ ra nội chiến nếu chính quyền Ukraine sử dụng quân sự…

Có thể nói, không phải đến thời điểm này, Nga mới có phản ứng. Trên thực tế, Nga đã có những động thái rất rõ ràng ngay sau khi chính phủ tạm quyền Ukraine đưa ra các quyết định và chính sách ngoại giao không phù hợp.

Nga đã đưa ra khuyến cáo 5 điểm cho Ukraine và hiện nay, trong bối cảnh này thì phản ứng của Nga vẫn nhất quán dựa trên các nguyên tắc mà Nga đã tuyên bố công khai. Đó là “nhân dân của đất nước Ukraine đa dân tộc cần có cơ hội tự mình quyết định vận mệnh tồn tại và phát triển”.

Hàng nghìn người biểu tình yêu cầu Nga bảo vệ họ trước những phần tử bạo lực ở Ukraine (Ảnh: Reuters)

BTV: Khi Crimea sáp nhập vào Nga, Mỹ và các nước châu Âu đã không thể giúp ích gì nhiều cho Ukraine, kể cả những biện pháp trừng phạt áp dụng với Nga sau đó cũng là “giơ cao đánh khẽ”. Liệu lần này, các nước phương Tây có tính toán khác hơn cho bước đi tiếp theo của mình?

Nhà báo Điệp Anh:Nếu theo cách Mỹ và Tây Âu nhìn nhận những gì từng diễn ra tại Maidan ở thủ đô Kiev mấy tháng trước thì diễn biến tại các tỉnh phía Đông của Ukraine hiện nay cũng không khác về bản chất. Đó đều là phản ứng của người dân khi chính quyền không quan tâm đến ý chí, nguyện vọng của họ. Bởi thế, hẳn Mỹ và Tây Âu sẽ khó tìm được những bước đi tiếp theo của mình.

Các phản ứng và quyết định tiếp theo của Nga cũng như Mỹ và Tây Âu giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào cách xử lý “khủng hoảng” hiện tại ở các tỉnh phía Đông và cách xử lý của chính phủ tạm quyền Ukraine.

Dùng bạo lực để xử lý “khủng hoảng” thì không bảo đảm sự ổn định, nếu không muốn nói là có thể đẩy đất nước Ukraine đến nội chiến. Một khi nội chiến xảy ra, Nga sẽ không thể đứng ngoài cuộc nếu cuộc sống của người dân Nga bị đe dọa. Và khi đó sẽ có thể kéo theo những hệ lụy khó lường về những đối đầu của các lực lượng bên ngoài Ukraine.

Từ những diễn biến thực tế ở Ukraine hiện nay, theo tôi, trong những ngày tới, Nga, Mỹ và EU rất cần và cũng có khả năng sẽ tổ chức đàm phán về tình hình Ukraina. Chỉ khi Mỹ và Tây Âu hiểu rõ quan điểm không thể thay đổi của Nga thì các bên mới có thể tìm được hướng đi tốt nhất cho Ukraine trong tương lai./.