Sau khi giành lại nhiều thành phố từ tay lực lượng vũ trang Ukraine, nhà chức trách Ukraine đã ra quyết định tiến hành một chiến dịch đặc biệt tại khu vực Donetsk và thành phố chính của vùng này là Lugansk. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine thì vẫn kiên quyết không từ bỏ vũ khí, bám trụ đến cùng khu vực Donetsk, khu vực được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng này. Diễn biến trên cho thấy, tình hình Ukraine trong những ngày tới sẽ còn căng thẳng. Dư luận tiếp tục có phản ứng về tình hình căng thẳng tại Ukraine.

nu_phi_cong_ukraine_ajpt.jpgChú thích ảnh
Hôm qua (9/7), hai nhà lãnh đạo của các nước thành viên Liên minh châu Âu là Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Poroshenko nhằm thảo luận về tình hình Ukraine, trong đó khẳng định sẽ gia tăng áp lực với Nga để buộc các lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine hạ vũ khí, chấp nhận đàm phán nhằm đạt một thỏa thuận ngừng bắn.

Thông cáo sau điện đàm do Văn phòng Tổng thống Pháp công bố cho biết, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phê chuẩn một giải pháp chính trị dựa trên một thỏa thuận ngừng bắn song phương giữa các bên tham chiến tại Ukraine, thực thi một cơ chế kiểm soát biên giới, dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng như việc trả tự do cho các con tin bị bắt giữ. Trước những diễn biến gần đây tại Ukraine, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng nhấn mạnh yêu cầu các bên cần kiềm chế, tránh làm gia tăng các hoạt động quân sự và phải bảo vệ dân thường.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng sẽ có cuộc điện đàm về tình hình Ukraine với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những ngày tới.

Song song với các giải pháp ngoại giao, Liên minh châu Âu và Mỹ cũng đe dọa sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để buộc Nga gia tăng sức ép buộc các lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine phải hạ vũ khí, tham gia ngừng bắn nhằm lập lại hòa bình tại Ukraine. Trong một tuyên bố tại một cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm qua, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu, bà Victoria Nuland cho biết: chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đe dọa sẽ sớm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt thêm đối với Nga, nếu Nga không thay đổi được cục diện tại miền Đông Ukraine. Bà Nuland cũng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác châu Âu về thời khắc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang chuẩn bị cho cuộc gặp của các nguyên thủ châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày 16/7 tới.

Còn theo một nguồn tin ngoại giao châu Âu giấu tên, hôm qua, các đại sứ Liên minh châu Âu đã nhất trí đưa thêm 11 người, trong đó có các quan chức Nga và người đứng đầu khu vực miền Đông Ukraine vào danh sách bị áp đặt lệnh trừng phạt của khối này.

Mỹ và Liên minh châu Âu trước đó đã áp đặt các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với một số công ty và cá nhân của Nga sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga trong tháng 4 vừa qua.  

Trước phản ứng của Liên minh châu Âu và Mỹ, trong một tuyên bố tại cuộc gặp của Viện Hành chính Nga, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát công việc của Chính phủ và Quốc hội Nga, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: là một bộ phận của cộng đồng quốc tế, Nga không bao giờ theo đuổi sự cô lập. Tuy nhiên, Nga luôn ưu tiên bảo vệ lợi ích quốc gia và sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ các lợi ích này.

Liên quan đến động thái của các bên tại Ukraine sau khi quân đội Ukraine giành lại quyền kiểm soát một số thành phố như Slanvyansk và Semenivka từ tay lực lượng vũ trang miền đông Ukraine, cùng với kế hoạch chuẩn bị tấn công vào cứ điểm cuối cùng của lực lượng vũ trang miền Đông, chính phủ Ukraine cũng đã bắt đầu xúc tiến các hoạt động ổn định lại tình hình tại đây. Hôm nay, nhiều nhân viên cứu hộ đã  tiến hành thu dọn các tàn tích của cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng vũ trang còn để lại mấy ngày trước đó.

Theo người đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tại Ukraine, ông Kai Vittrup, ưu tiên trước mắt hiện nay là phải ổn định cuộc sống của người dân tại các khu vực hậu chiến.

“Nhiệm vụ trước tiên của chúng tôi khi đến đây là phải tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây, xem họ sống ra sao, điều kiện điện nước của người dân có được đảm bảo không?” ông Vittrup nói. “Trên cơ sở các thông tin liên quan, chúng tôi sẽ có biện pháp hỗ trợ người dân miền Đông Ukraine.”

Về phía lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine, người đứng đầu lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine, ông Pavel Gubarev cho biết: lực lượng này sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng để bảo vệ khu vực Donetsk.

Với những diễn biến đó, dự báo tình hình tại Ukraine trong những ngày tới sẽ còn phức tạp./.