Sergei Nikiforov, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối Tổng thống Mỹ Joe Biden vì những bình luận gần đây của nhà lãnh đạo Mỹ khi cho rằng các quan chức Ukraine "không muốn nghe" những thông tin tình báo Mỹ đưa ra về việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Theo truyền thông Ukraine, Tổng thống Zelensky tin tưởng vào các quan chức tình báo của mình hơn.
"Vì vậy, cụm từ 'không muốn nghe' có lẽ cần làm rõ. Ngoài ra, nếu còn nhớ, trước đó, Tổng thống Ukraine đã kêu gọi các đối tác đưa ra gói trừng phạt phòng ngừa để khiến Nga rút quân và giảm leo thang tình hình", ông Nikiforov cho hay.
Người phát ngôn của Tổng thống Zelensky cũng nhận định, trong trường hợp này "chúng tôi có thể khẳng định rằng, các đối tác không muốn lắng nghe chúng tôi".
Ông Nikiforov cũng cho biết, vào thời điểm trước ngày 24/2, Tổng thống Zelensky đã có "3 hoặc 4" cuộc điện đàm với Tổng thống Biden nhằm trao đổi lập trường và những đánh giá về tình hình cụ thể.
Tron khi đó, cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết, Ukraine đã biết rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công nhưng vẫn chưa chắc chắn về quy mô của chiến dịch.
Ngày 10/6, Tổng thống Biden bày tỏ suy nghĩ rằng, người đồng cấp Ukraine, giống như nhiều người khác, đã phớt lờ những cảnh báo từ Mỹ về chiến dịch quân sự đặc biệt sắp diễn ra của Nga.
"Không có bất kỳ điều gì như vậy xảy ra kể từ Thế chiến II. Tôi biết nhiều người cho rằng tôi có lẽ đang làm quá. Nhưng tôi biết chúng tôi có những dữ liệu cho thấy những gì Tổng thống Putin định thực hiện ở biên giới. Điều đó là rõ ràng và Tổng thống Zelensky đã không muốn lắng nghe về nó", ông Biden cho hay.
Vào thời điểm đó, các quan chức Ukraine cho rằng những dự đoán về chiến dịch quân sự của Nga là nhằm mục đích khiến Ukraine bất ổn và thúc đẩy các lợi ích của Nga. Tuy nhiên, Ukraine đã tìm cách kêu gọi hương Tây hỗ trợ vũ khí sát thương ngay từ đầu và sau đó phương Tây dần đáp ứng những yêu cầu của Kiev khi bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Từ cuối mùa thu năm 2021, căng thẳng leo thang ở biên giới Ukraine đã được thảo luận rộng rãi trên khắp thế giới. Tháng 12/2021, Nga đề xuất một thỏa thuận với NATO, vạch rõ những lằn ranh đỏ về an ninh của mình như yêu cầu NATO dừng mở rộng và quay lại tình trạng biên giới như năm 1997.
Tuy nhiên, phương Tây không chấp nhận đề xuất này và đe dọa Nga bằng các lệnh trừng phạt cũng như cung cấp vũ khí cho Ukraine. Điện Kremlin cho rằng thực tế đó đã khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài tiến hành chiến dịch quân sự để phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Donbass./.