Tuần này chứng kiến “nhiều diễn biến nóng lạnh” xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt liên quan tới nước Cộng hòa tự trị Crimea đang muốn tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Liên bang Nga. Một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Nga và phương Tây đã diễn ra nhưng vẫn chưa xóa nhòa được khoảng cách về lập trường giữa các bên.
Thượng viện Nga và Quốc hội Crimea họp tìm giải pháp cho Ukraine (Ảnh: AFP) |
Ông Antonov đồng thời cho biết, phía Ukraine đã yêu cầu triển khai máy bay giám sát trên lãnh thổ Nga và Nga đã chấp nhận. Chính phủ Nga hy vọng, quyết định này sẽ giúp phía Ukraine tận mắt kiểm chứng, không có các hoạt động quân sự đe dọa họ tại khu vực biên giới. Nga và Ukraine được phép tiến hành các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ của nhau theo một Hiệp ước được ký năm 1992.
Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục có những động thái "nóng- lạnh" với Nga khi vừa tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa hai bên lại vừa gia tăng những cảnh báo đối với Nga. Tại cuộc gặp ngày 12/3 với Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Iatseniouk tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa khẳng định lập trường phản đối cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine vào Liên bang Nga dự kiến vào ngày 16/3 tới.
Theo ông Obama, Chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine trong nỗ lực duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Lãnh đạo các nền kinh tế phát triển G7 cũng yêu cầu Nga ngừng những công tác chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân và phản đối việc “thay đổi quy chế” của nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine này. Nếu không Nga sẽ phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt.
Bên cạnh những hoạt động ngoại giao này, Mỹ và các nước Tổ chức quân sự hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi đầu tuần này đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự rầm rộ ngay sát biên giới Ukraine.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine rõ ràng đang có những diễn biến ngày càng nghiêm trọng, khi dẫn tới một cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Song theo các nhà phân tích, việc đưa Ukraine trở thành cầu nối Đông-Tây sẽ là lựa chọn tốt nhất không những để Ukraine tạo dựng được một môi trường chính trị, kinh tế ổn định, mà còn có lợi cho cả Nga và phương Tây.
Chính vì thế, mà bên cạnh việc gia tăng các cảnh báo, Nga và phương Tây cũng tăng cường các cuộc tiếp xúc. Theo kế hoạch, ngày mai Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc gặp lần thứ 4 trong hơn 1 tuần qua với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhằm tìm cách tháo ngòi căng thẳng liên quan tới tình hình Ukraine trước thềm cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea.
Phát biểu trước một Ủy ban Hạ viện Mỹ, ông John Kerry tuyên bố, trọng trách của ông là đề xuất với phía Nga “một loạt các lựa chọn thích hợp” cho vấn đề Ukraine: "Tổng thống Obama đã yêu cầu tôi tới London để gặp Ngoại trưởng Nga. Thời gian qua Nga và Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc nhằm giúp giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Nhiệm vụ của tôi lần này là đề xuất với phía Nga một loạt các lựa chọn thích hợp, vừa đảm bảo tôn trọng nhân dân Ukraine, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như lợi ích của tất cả các bên liên quan".
Cùng ngày, Điện Kremli cho biết Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Pháp sẽ tới Moscow vào tuần tới sau khi có một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande. Thông cáo của Điện Kremli cho biết: "Hai bên đã nhất trí tiếp tục thảo luận trong một chuyến thăm tới Moscow của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, dự kiến vào ngày 18/3 tới".