Nga và Ukraine ngày 12/8 đã đạt được thỏa thuận có điều kiện cho phép các chuyến hàng cứu trợ của Nga vào Ukraine để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Marie Harf cho biết: Ukraine đã xác nhận trực tiếp với phía Mỹ rằng Ukraine sẵn sàng xúc tiến việc nhận hàng hóa viện trợ của Nga để hỗ trợ người dân, với điều kiện hàng hóa viện trợ sẽ được nhận tại một chốt biên phòng ở khu vực biên giới Nga - Ukraine, rồi chuyển cho Hội Chữ thập đỏ phụ trách việc vận chuyển cho người dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi chiến sự ở miền đông Ukraine.
Thông tin trên cũng đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chính thức xác nhận trước báo giới cùng ngày. Theo ông Lavrov, Nga đã nhận được công hàm của Ukraine thống nhất lại về các điều kiện chuyển hàng cứu trợ.
Nga đồng ý với tất cả các thay đổi mà Ukraine đưa ra. Theo các thay đổi trên, phía Ukraine sẽ nhận chuyến hàng cứu trợ gồm hơn 280 xe của Nga tại biên giới giữa hai nước.
Đoàn xe sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) bảo trợ và được gắn biển số Ukraine thay vì chuyển hàng sang xe khác như Ukraine yêu cầu trước đó.
Cửa khẩu để đoàn xe cứu trợ của Nga vào lãnh thổ Ukraine cũng được chính quyền Ukraine quyết định là trạm biên phòng Shebekino-Plenevka, thuộc tỉnh Kharkov.
Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý rằng chính quyền Ukraine đã đồng ý đảm bảo an toàn cho cả đoàn xe khi di chuyển trên lãnh thổ Ukraine, và hy vọng các tay súng ở miền Đông Ukraine cũng sẽ hành động tương ứng.
Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Chúng tôi đã nhất trí để các xe hàng cứu trợ của chúng tôi đi theo lộ trình mà phía Ukraine cảm thấy thoải mái nhất. Các xe tải của chúng tôi cũng đã được giấy phép của nhà chức trách Ukraine khi đi qua khu vực biên giới Ukraine. Chúng tôi cũng đã thống nhất để đại diện của Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cùng nhà chức trách Ukraine có mặt trên các chuyến xe này”.
Theo kế hoạch các chuyến hàng cứu trợ của Nga chở theo khoảng 2.000 tấn hàng cứu trợ gồm thực phẩm, nước uống, thuốc men và các máy phát điện dự phòng, dự kiến sẽ tới khu vực biên giới Ukraine trong ngày 13/8.
Ngoại trưởng Nga cũng cho biết, trước đó cùng ngày, ông đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi triển khai các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người dân miền Đông Ukraine nhằm ngăn chặn nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Ukraine có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, kể từ khi chính quyền Ukraine tiến hành chiến dịch quân sự chống lại lực lượng ly khai đến nay đã có 1.000 300 người thiệt mạng, hơn 4.000 người bị thương. Bất ổn cũng đã đẩy gần 300 nghìn người khác phải đi sơ tán.
Chính quyền địa phương hai thành phố miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk đều đã cảnh báo tình trạng thảm họa nhân đạo do bị quân đội Ukraine vây hãm.
Tại cả Donetsk và Lugansk đều đã xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực, nước ngọt và mất điện trầm trọng.
Tình hình nhân đạo tại Ukraine là vậy và dù đã cho phép Nga đưa đoàn xe cứu trợ nhân đạo thực hiện sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo tại Ukraine song giới chức Ukraine và các nước phương Tây vẫn giữ thái độ dè dặt và hoài nghi trước thành ý của Nga, cho rằng, Nga có thể sử dụng “sứ mạng nhân đạo” làm lý do để can thiệp quân sự vào Ukraine.
Cùng với đó, Quốc hội Ukraine ngày 12/8 đã tiến hành cuộc thảo luận đầu tiên đối với dự luật do Chính phủ đề xuất về các biện pháp trừng phạt Nga. Trong lần thảo luận đầu tiên này, dự luật trừng phạt Nga đã được thông qua với 243 phiếu thuận.
Dự thảo luật gồm 29 biện pháp “phản ứng hiệu quả và khẩn cấp đối với những nguy cơ hiện hữu và tiềm tàng cho lợi ích và an ninh quốc gia”. Theo dự thảo luật, Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine có quyền phong tỏa các tài sản, hạn chế các giao dịch thương mại, chấm dứt một phần hoặc hoàn toàn trung chuyển tài nguyên, các chuyến bay và vận chuyển của Nga trên lãnh thổ Ukraine, ngăn chặn chuyển vốn của Nga khỏi Ukraine, tạm ngừng thực hiện các cam kết tài chính và kinh tế...
Trong một tuyên bố trước phiên họp Quốc hội Ukraine, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk nói: “Luật này cho phép Chính phủ Ukraine áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân của Nga cũng như tài sản của các cá nhân này. Chúng tôi nhận thức rõ rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ mang lại hậu quả cho nền kinh tế Ukraine. Song cái giá mà chúng tôi phải trả này không thể nào so sánh được với việc nhiều binh sĩ và người dân miền Đông Ukraine đã thiệt mạng”.
Theo dự kiến, dự thảo luật trừng phạt Nga sẽ tiếp tục được chính sửa và đưa ra thảo luận tại Quốc hội Ukraine trong những ngày tới, trước khi được thông qua chính thức./.