Trước tình thế trên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valeriy Geletey đã cáo buộc Nga hỗ trợ cho lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine và rằng, động thái này của Nga có thể gây ra một cuộc đại chiến giữa hai nước. Tuy nhiên, những chỉ trích này đã bị Nga bác bỏ.

Trong phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, những tuyên bố của ông Geletey sẽ khiến có thêm "hàng chục ngàn" nạn nhân mới trong những gì ông gọi là cuộc “Đại chiến”...

ukraine_1_wyjx.jpg
Quân chính phủ Ukraine chiến đấu với phe đối lập tại miền Đông (Ảnh: Reuters)

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Geletey đã tuyên bố trên mạng Facebook rằng, Nga tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp ở miền Đông sau khi lực lượng đối lập "thất bại". Vị Bộ trưởng này cũng cáo buộc Nga không chỉ cố gắng bảo vệ các vùng lãnh thổ do phe đối lập chiếm giữ, mà còn tiến vào các khu vực khác. Ông Geletey nói rằng, Nga thông qua "kênh không chính thức" đã "liên tục đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân" vào Ukraine nếu Kiev tiếp tục chống cự.

Trong phản ứng của mình, Bộ ngoại giao Nga tuyên bố, thông tin mập mờ như vậy sẽ kích động không khí thù địch tại Ukraine. Moscow cho biết thêm rằng đây là một sự xuyên tạc "trắng trợn" của ông Geletey với mục đích giữ "ghế" trong Chính phủ Ukraine.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh "Nga sẽ không can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Ukraine". Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết, ông hy vọng rằng các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức tại Minsk sẽ mở đường cho thỏa thuận về "một lệnh ngừng bắn vô điều kiện ngay lập tức" ở miền đông Ukraine.  Ông Sergey Lavrov cũng tố cáo quân Kiev đang nã pháo vào dân thường. Theo đó, ông kêu gọi phía quân đội chính phủ ngừng  sử dụng pháo hạng nặng, ngừng oanh kích đối với các thành phố, chống lại dân thường; không phá hủy trường học, bệnh viện....

 Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tố cáo châu Âu phớt lờ việc quân đội Ukraine "trực tiếp tấn công dân thường" ở miền Đông. Trong bài phát biểu ở thành phố Yakutsk, ông Putin cho rằng, quân đội Ukraine "đang nhắm bắn trực tiếp vào các khu vực dân cư" và "đáng tiếc là rất nhiều nước, trong đó có châu Âu, lại phớt lờ điều này".

Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin cũng kêu gọi chính phủ Ukraine đàm phán trực tiếp với phe đối lập ở miền Đông: "Bản chất của bi kịch đang xảy ra tại Ukraine tôi nghĩ là do phía lãnh đạo tại Kiev không muốn thực hiện một cuộc đối thoại chính trị với phần phía Đông của đất nước. Theo tôi, đàm phán trực tiếp là một quá trình rất quan trọng”.

Những tuyên bố trên của hai bên được đưa ra trong bối cảnh giao tranh ở thành phố Lugansk vẫn tiếp diễn. Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho biết, các binh sĩ nước này đã rút khỏi sân bay Lugansk và một ngôi làng lân cận ở miền Đông sau khi hứng chịu pháo kích dữ dội.

Trong khi đó, phương Tây đã có phản ứng khác nhau trước tình hình tại Ukraine. Hôm qua, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết trong tuần này, giới lãnh đạo NATO sẽ được yêu cầu thông qua việc thành lập một lực lượng sẵn sàng phản ứng cao, đồng thời dự trữ trang thiết bị quân sự tại Đông Âu để giúp bảo vệ các nước thành viên đối phó với một cuộc "xâm lược tiềm tàng của Nga." Lực lượng mới sẽ bao gồm hàng nghìn binh sĩ, được đóng góp theo cơ chế luân phiên giữa 28 nước thành viên NATO. Được yểm trợ bằng không quân và hải quân, đơn vị này sẽ là "mũi nhọn" có thể được triển khai trong thời gian rất ngắn nhằm giúp các nước thành viên NATO tự vệ trước bất cứ mối đe dọa nào, trong đó có mối đe dọa từ phía Nga.

Dự kiến vào ngày 4/9 tới, NATO sẽ khai mạc hội nghị cấp cao tại Xứ Wales với chương trình nghị sự nổi bật là cách thức liên minh do Mỹ đứng đầu này phản ứng như thế nào trước những hành động của Nga đối với Ukraine.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Italy, bà Federica Mogherini tuyên bố EU sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề Ukraine bằng con đường ngoại giao chứ không tìm kiếm một giải pháp quân sự.

Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Mogherini cho rằng, giải pháp ngoại giao "phù hợp nhất với lợi ích không chỉ của Ukraine mà còn của cả Nga và châu Âu". Theo bà, việc Liên minh châu Âu gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine là "biện pháp bắt buộc" và những tác động do các biện pháp này gây ra đối với kinh tế Nga là hậu quả của các chính sách do Nga đưa ra./.