Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (25/3) đã bất ngờ tung đòn trừng trị một loạt quan chức cấp cao trong nội bộ chính quyền, khiến giới chức Kiev không khỏi kinh hãi.

tong_thong_poroshenko_mcvk.jpgTổng thống Poroshenko 
Cụ thể, Ukraine đã tiến hành một vụ bắt giữ đầy kịch tính với 2 quan chức cấp cao hàng đầu trong chính phủ Kiev vì cáo buộc tham nhũng ngay giữa một cuộc họp nội các được truyền hình trực tiếp. Bước đi này diễn ra sau khi ông Poroshenko vừa thẳng thừng “xuống tay” với một nhà tài phiệt quyền lực hàng đầu đất nước và cũng là người đứng đầu một khu vực.

Vụ cải tổ nội các đầy bất ngờ trên diễn ra trong bối cảnh giới chức bối rối ở Kiev đang tìm cách thực hiện lời cam kết diệt trừ nạn tham nhũng tràn lan và kiềm chế ảnh hưởng to lớn của những ông trùm quyền lực trong giới kinh doanh ở Ukraine. Cảnh sát Ukraine đã bắt giữ ông Sergiy Bochkovsky – Giám đốc Cơ quan Khẩn cấp Quốc gia Ukraine và “phó tướng” của ông này - Vasyl Stoyetsky trước sự chứng kiến của đông đảo nhà báo và phóng viên ảnh. Hai vị quan chức trên bị tuyên bố đối mặt với cáo buộc tham nhũng “cấp độ cao”.

Răn đe các quan tham

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho rằng, cảnh tượng các quan chức cấp cao bị còng tay dẫn giải đi giữa một cuộc họp nội các được phát trên truyền hình sẽ là một lời cảnh báo sắc lạnh cho những quan chức khác đang bị tình nghi tham nhũng.

"Điều này sẽ xảy ra với tất cả mọi người – những người vi phạm pháp luật và coi thường đất nước Ukraine”, ông Yatsenyuk phát biểu. "Khi đất nước đang có chiến tranh và khi chúng ta đang phải dựa vào từng đồng xu thì họ ăn cắp của nhân dân”, Thủ tướng Ukraine nói thêm.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết, hai quan chức bị bắt bị tình nghi là đã khai man số tiền mua sắm từ các công ty, trong đó có tập đoàn dầu mỏ Lukoil của Nga, và đem chuyển số tiền thừa đó vào các tài khoản ở nước ngoài. Diễn biến trên diễn ra khi mà ngày đêm trước đó, Tổng thống Poroshenko vừa thông báo nhà tài phiệt Igor Kolomoisky đã đề nghị từ chức người đứng đầu khu vực công nghiệp Dnipropetrovsk sau khi một cuộc tranh cãi về quyền kiểm soát tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Ukraine kết thúc bằng việc những tay súng vũ trang của ông Kolomoisky xông vào chiếm giữ văn phòng của hai tập đoàn dầu mỏ quốc gia.

"Tổng thống Ukraine đã xác nhận yêu cầu từ chức của ông Igor Kolomoisky" tại một cuộc họp giữa hai ông này ở thủ đô Kiev, văn phòng tổng thống cho biết. Ông trùm ngân hàng, truyền thông đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu khu vực Dnipropetrovsk sau vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hồi năm 2014. Ông Kolomoisky đã chứng minh mình là một tiền đồn chống lực lượng ly khai miền đông Ukraine mạnh mẽ. Ông này đã tài trợ cho một nhóm chiến binh tình nguyện rất mạnh và nhóm này đóng một vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống lực lượng ly khai miền đông. Nhà tài phiệt Kolomoisky thậm chí còn từng treo thưởng 20.000 USD cho bất kỳ ai bắt giữ được các thành viên của lực lượng ly khai và giao nộp cho chính quyền ở Dnipropetrovsk.

Mặc dù ông Kolomoisky, 52 tuổi, chính thức từ chức nhưng giới chuyên gia tin rằng, đó thực chất là quyết định của Tổng thống Poroshenko.

Những bước đi trên được Tổng thống Poroshenko thực hiện trong bối cảnh ông này đang phải chịu sức ép từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đòi hỏi ông này phải làm trong sạch nền chính trị của Ukraine.

Đối đầu với giới tài phiệt

Một nghị sĩ hàng đầu của Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga) hôm qua đã đưa ra cảnh báo, vụ sa thải tỉ phú Kolomoisky có thể là bước mở màn cho một làn sóng các nhà tài phiệt Ukraine đứng lên chống lại Tổng thống Poroshenko.

Theo ông Leonid Slutsky, vụ sai thải ông Kolomoisky khỏi vị trí người đứng đầu khu vực Dnipropetrovsk và cuộc đối đầu giữa ông này với chính quyền của Tổng thống Poroshenko đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong chính quyền Ukraine và cho thấy sự thất bại của chính sách do phương Tây áp đặt lên nước này.

"Dưới khẩu hiệu về sự hội nhập châu Âu, Ukraine đang quay trở lại thời kỳ của sự đối đầu đầy hận thù và sự cầm quyền của những nhà đầu sỏ chính trị. Chẳng thấy nền dân chủ ở đâu”, ông Slutsky cho hay.

"Tất cả những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ukraine đang ở tình trạng nghiêm trọng nhất, đồng hryvnia sụt giảm nhanh chóng và sự bất ổn trong nước tăng cao”, ông Slutsky nói.

Theo vị nghị sĩ cấp cao của Nga, trong tình hình đó, Ukraine có thể sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức mới và sự bất ổn trong xã hội. Tình hình này có lợi cho những nhà đầu sỏ chính trị chứ không phải là vì để bảo vệ các giá trị dân chủ. "Rất có thể chúng ta sắp phải chứng kiến một Maidan mới, tuy nhiên, lần này là từ các đầu xỏ chính trị. Và trước diễn biến tình hình như vậy, ông Poroshenko sẽ phải cầu cứu sự giúp đỡ của phương Tây không phải để dập tắt sự kháng cự của lực lượng ly khai Donbass mà có thể là để chống lại ‘quân đội’ của đồng minh Maidan một thời - Kolomoisky", ông Slutsky nói.

Có thể nói, tình hình Ukraine những ngày này đang diễn ra ngày một xấu khi chính quyền Kiev không chỉ phải đối phó với một nền kinh tế sắp trên bờ vực phá sản, một cuộc nội chiến vẫn âm ỉ ở miền đông Ukraine mà giờ đây còn phải đối mặt với một cuộc đối đầu với các nhà tài phiệt đầy ảnh hưởng./.