Tướng Hlaing cũng tố người Rohingya là thủ phạm của tình trạng khủng hoảng hiện nay ở Myanmar khiến hàng trăm người phải vượt biên sang Bangladesh. Viên tướng khẳng định, các “phần tử cực đoan” người Rohingya đang cố gắng xây dựng một thành trì ở bang Rakhine của Myanmar.

rohingya_akmg.jpg
Bangladesh đang cố gắng hạn chế dòng người Rohingya từ Myanmar chạy sang nước này. Ảnh: AFP.

Trong một đoạn đăng tải trên Facebook vào hôm 17/9, tướng Hlaing hối thúc người dân và truyền thông Myanmar đoàn kết trong “vấn đề” Rohingya.

Ông này cho biết, chiến dịch quân sự bắt đầu sau khi có 93 cuộc đụng độ với các “phần tử Bengal cực đoan” (ám chỉ các chiến binh Rohingya), vào ngày 25/8. “Họ đòi được công nhận là người Rohingya, nhưng họ chưa bao giờ là một nhóm dân tộc ở Myanmar”.

Quân đội Myanmar bị chỉ trích là đã nhắm vào chính dân thường trong một chiến dịch quân sự của họ ở khu vực này, khiến người Rohingya phải bỏ chạy.

Hôm 16/9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar là bà Aung San Suu Kyi chỉ còn “cơ hội cuối cùng” để ngăn ngừa chiến dịch của quân đội Myanmar trước khi tình hình trở nên “vô cùng khủng khiếp”.

Liên Hợp Quốc đã bày tỏ lo ngại về vấn đề “thanh lọc sắc tộc”. Đa phần người Rohingya là người Hồi giáo, trong khi 90% dân số Myanmar theo Phật giáo.

Trên thực tế, các chiến binh Rohingya có tấn công các chốt cảnh sát ở bắc Rakhine vào ngày 25/8, làm chết 12 nhân viên an ninh.

Tuy nhiên, người Rohingya nói rằng quân đội Myanmar đã phản ứng với vụ việc trên bằng một chiến dịch bạo tàn, với việc đốt phá làng mạc và tấn công dân thường để xua đuổi họ.

Rohingya là một nhóm sắc tộc không tổ quốc. Ở Myanmar, họ đã bị trấn áp từ rất lâu. Giới chức Myanmar cho rằng nhóm Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp./.