Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đương kim Tổng thống Obama đã giành chiến thắng vang dội trước ứng cử viên Mitt Romney của đảng Cộng hoà.
Nhân dịp này, phóng viên VOV online đã phỏng vấn nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an, Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, chuyên gia nghiên cứu quốc tế, về những thách thức và khó khăn mà ông Obama sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ này.
Vì sao Obama thắng áp đảo?** PV: Thưa Thiếu tướng, PGS-TS, ông có thể phân tích nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của ông Obama?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Người ta đã bàn rất nhiều về chiến thắng của ông Obama. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, việc đương kim Tổng thống B.Obama tái đắc cử nhiệm kỳ 2 trong bối cảnh nước Mỹ hết sức đặc biệt, đó là tình trạng nước Mỹ đang sa sút, nợ công chồng chất và tỷ lệ thất nghiệp là 7,9%. Điều này chưa có trong tiền lệ gần 100 năm nay của một tổng thống bước vào nhiệm kỳ 2 ở Mỹ.
Niềm vui chiến thắng của gia đình Tổng thống Obama (ảnh: Reuters) |
Người dân Mỹ bỏ phiếu cho ông Obama có thể xem là ngoại lệ. Điều đó cho thấy họ rất khách quan và cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình hình kinh tế khó khăn, thất nghiệp, nợ công lớn, không phải ông Obama tạo ra mà chính do người tiền nhiệm – ông G.Bush.
Trong gần 4 năm cầm quyền, ông Obama đã làm được một số việc. Về đối nội, ông đã kéo nước Mỹ ra khỏi vực sâu của khủng hoảng kinh tế. Do ảnh hưởng sâu của khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008 – 2009, ông G.Bush đã làm cho nước Mỹ lâm vào vực thẳm. Ông Obama chưa thể xử lý được tình trạng đó, nhưng cũng đã đưa nước Mỹ ra khỏi vực sâu. Đặc biệt, năm 2012, kinh tế có bước phát triển, tỷ lệ thất nghiệp từ hơn 9% năm 2010 nay giảm xuống dưới 8% năm 2012.
Trong 4 năm qua, ông Obama cũng đã khắc phục được những sai lầm của người tiền nhiệm để lại. Ông Obama đã triển khai cuộc chiến chống khủng bố có kết quả hơn ông G.Bush. Trong 3 năm qua, nước Mỹ trở nên an toàn hơn, phá nhiều âm mưu khủng bố đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, đặc biệt loại bỏ được trùm khủng bố Osama bin Laden và một số nhân vật trụ cột của Al Qaeda ở cấp cao nhất.
Vị thế của nước Mỹ cũng được nâng cao. Ông Obama được các tầng lớp ở Mỹ ủng hộ từ người gốc Phi, Latin, Á đến thanh niên và phụ nữ. Trong khi ông Mitt Romney không được như vậy. Về đối ngoại, ông Mitt Romney không có kinh nghiệm còn kinh tế lại không đưa ra được phương án có sức thuyết phục để khắc phục những yếu kém hiện nay. Chính cử tri Mỹ nghi ngờ và có cảm giác sợ ông Romney quay lại con đường ông G.Bush trước đây và họ cho đó là thất bại của nước Mỹ cả kinh tế và đối ngoại.
Người Mỹ đã ủng hộ ông Obama và đặt lòng tin vào ông, bởi ông có khả năng tiếp tục giải quyết những khó khăn của nước Mỹ.
Phía trước Obama là núi cao** PV: Thưa ông, những thách thức và khó khăn của ông Obama trong nhiệm kỳ 2 là gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thực ra, nhiệm kỳ 2 giai đoạn 2013 - 2016 ông Obama sẽ phải đối mặt với những khó khăn cả đối nội lẫn đối ngoại.
Về đối nội, điều khó khăn nhất vẫn là kinh tế. Dù đã ra khỏi vực sâu của suy thoái nhưng kinh tế Mỹ vẫn chưa có bước phát triển bứt phá, nợ công lớn. Chưa bao giờ ở Mỹ, tổng thống lên trong bối cảnh kinh tế lại khó khăn như vậy, nợ công chồng chất, kinh tế bắt đầu phát triển nhưng hết sức chậm, thậm chí cũng không ổn định và thiếu chắc chắn. Và chưa rõ lối ra.
Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, chuyên gia nghiên cứu quốc tế (ảnh: Thu Thủy) |
Trong nhiệm kỳ 2, nếu hết sức cố gắng, ông Obama chỉ có thể khắc phục được một phần. Nhiệm kỳ sau năm 2016, nước Mỹ còn khó khăn hơn, nền kinh tế cũng phải mất từ 5 đến 7 năm mới có thể khắc phục được. Đó là áp lực lớn nhất của ông Obama. “Làm thế nào để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách” là bài toán thường trực đối với ông Obama và chính quyền của ông.
Ông Obama đưa ra phương án là tăng thuế người giàu để có tiền, vừa giảm nợ công vừa giảm thâm hụt ngân sách cũng như chi cho kế hoạch mà ông đã hứa như: bảo hiểm xã hội, y tế, an sinh, giáo dục và đào tạo… Ông Obama không chấp nhận gia hạn Luật cắt giảm thuế đối với các cá nhân có thu nhập trên 200.000 USD và các cặp vợ chồng có thu nhập trên 250.000 USD/năm. Luật này có hiệu lực từ thời ông G.Bush.
Khó khăn của ông Obama hiện nay là Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Nếu ông Obama không tạo sự đồng thuận với Đảng Cộng hòa trong Quốc hội thì những quyết sách về kinh tế xã hội trong nước sẽ gặp khó khăn. Vì thế trong nhiệm kỳ 2 này, điều quan trọng nhất mà ông Obama phải tập trung giải quyết là những vấn đề trong nước.
Về đối ngoại, ông Obama vẫn sẽ phải coi trọng các vấn đề như: Chống khủng bố, Xử lý những vấn đề nóng của Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có vấn để Syria và những thách thức ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, châu Á là thị trường năng động nên, Washington sẽ tăng cường tiếp cận, hợp tác thông qua hợp tác châu Á – Thái Bình Dương để có khả năng tháo gỡ bớt khó khăn trong nội bộ kinh tế của Mỹ.
Dự đoán quan hệ Mỹ-Việt** PV: Theo Thưa Thiếu tướng, PGS-TS dự đoán thì ở nhiệm kỳ 2 này, nội các của ông Obama có thay đổi nhiều không?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, trong nhiệm kỳ 2 này, ông Obama chắc chắn sẽ có một số thay đổi về chính sách đối nội và đối ngoại như vậy chắc chắn sẽ có thay đổi nhất định về nhân sự. Tuy nhiên, vẫn có những thay đổi và được ưu tiên cho lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Ông sẽ lựa chọn những người giỏi nhất vào trong lĩnh vực này vì lợi ích của đất nước.
Thứ 2, bổ sung chuyên gia giỏi về các vấn đề ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi.
Ông Obama sẽ quan tâm nhất đến đội ngũ và những chuyên gia về kinh tế, tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính và vấn đề xã hội cũng sẽ được ưu tiên.
Ở Mỹ, vấn đề Ngoại trưởng là vị trí đặc biệt quan trọng, rất được coi trọng. Theo dư luận đánh giá, ở Mỹ, nếu tổng thống là vị trí số 1 thì Ngoại trưởng phải là vị trí thứ 2 vì đây là người nắm chắc vấn đề toàn cầu, có khả năng kịp thời xử lý vấn đề toàn cầu. Bà Hillary Clinton có thể không tham gia trong nhiệm kỳ 2 này bởi bà có lý do riêng hoặc có thể chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2016 hoặc bà sẽ làm một việc khác để lại dấu ấn.
Trong lĩnh vực Quốc phòng, an ninh sẽ không có sự thay đổi đột biến để đảm bảo chính sách của Mỹ ổn định.
** PV: Thưa Thiếu tướng, PGS-TS, ông nhận định như thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam – Mỹ trong thời gian tới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ là vấn đề khá lớn và thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các học giả Việt Nam và Quốc tế.
Theo tôi, mối quan hệ Việt Nam – Mỹ đã được thử thách qua 17 năm (từ 1995 đến nay), qua 3 đời tổng thống. Đến thời điểm này, mối quan hệ đó đã đặt trên một nền tảng quan hệ kinh tế khá chắc chắn vì lợi ích của nhân dân 2 nước.
Việt Nam nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và việc Mỹ quay trở lại khu vực này và xem nó là địa bàn trọng điểm thì việc quan hệ với Việt Nam là chuyện đương nhiên và bình thường.
Đối với Việt Nam, mở rộng mối quan hệ với Mỹ là vì lợi ích của Việt Nam. Chúng ta không bao giờ quan hệ với Mỹ để chống lại nước khác và thực tế Việt Nam không bao giờ liên kết để chống lại nước thứ 3. Nhưng là một quốc gia độc lập có chủ quyền, chúng ta có lợi ích thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Bản thân Mỹ cũng có lợi ích trong việc quan hệ với Việt Nam.
Ở nhiệm kỳ 2, theo tôi, ông Obama sẽ dựa trên nền tảng đó tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ, đặc biệt là thúc đẩy mở rộng về kinh tế.
Tôi tin rằng, trong 4 năm nhiệm kỳ 2, quan hệ Việt Nam – Mỹ sẽ phát triển hơn về mặt kinh tế. Tôi cũng mong muốn có nhiều tập đoàn kinh tế Mỹ vào Việt Nam vì lợi ích của 2 nước.
** PV: Xin cảm ơn ông.