Hôm nay (23/11), cử tri Tunisia lần đầu tiên đi bỏ phiếu trực tiếp bầu ra Tổng thống dân chủ kể từ sau những bất ổn bùng phát năm 2011 chấm dứt chế độ của cựu Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali.

Cuộc bầu cử lần này ở Tunisia có 30 ứng viên nhưng sự cạnh tranh chủ yếu là giữa 2 phe: một bên là các quan chức dưới thời cựu Tổng thống Ben Ali và bên kia là các nhà hoạt động cánh hữu.

Hơn 3 năm sau khi chế độ của cựu Tổng thống Ben Ali sụp đổ, Tunisia được phương Tây đánh giá là hình mẫu chuyển giao chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi với việc nước này đã thông qua Hiến pháp mới và tránh được những bất ổn tái diễn như các nước láng giềng. Hầu hết cử tri Tunisia đều hy vọng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống lần này sẽ đưa đất nước của họ đến một tương lai tươi sáng hơn.

Một cử tri bày tỏ: “Hôm nay là một ngày lễ trọng thể đối với chúng tôi. Tôi mong mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ và chúng tôi sẽ bầu ra được một vị Tổng thống tốt, có thể chăm lo cho chúng tôi.”

Tháng trước, Tunisia đã tổ chức tổng tuyển cử, trong đó đảng thế tục “Tiếng gọi của Tunisia” (Nidaa Tounes) đã đánh bại đảng Hồi giáo “Phục hưng” (Ennahda) để giành nhiều ghế nhất tại Quốc hội. Lãnh đạo đảng “Tiếng gọi Tunisia” (Beji Caid Essebsi), cựu quan chức 87 tuổi dưới thời ông Ben Ali đang là ứng viên Tổng thống sáng giá nhất bên cạnh đương kim Tổng thống Moncef Marzouki.

Ông Marzouki và phe cánh hữu cho rằng nếu ứng viên Essebsi đắc cử thì hệ thống chính trị Tunisia sẽ rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” của chế độ cựu Tổng thống Ben Ali. Tuy nhiên, ứng viên Essebsi và các cựu quan chức dưới thời ông Ben Ali khẳng định, họ không liên quan đến những bê bối tham nhũng và lạm quyền của chế độ cũ, thay vào đó tuyên bố họ sẽ áp dụng khả năng kỹ trị và kinh nghiệm để vực dậy đất nước.

Phần lớn giới phân tích cho rằng ông Essebsi và ông Marzouki nhiều khả năng không giành được đủ số phiếu để tránh một cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 vào tháng sau. Do đảng “Phục hưng” không có ứng viên tranh cử Tổng thống và cũng không tuyên bố hậu thuẫn bất cứ ai nên số phiếu của những cử tri ủng hộ đảng này sẽ mang tính quyết định.

Hiến pháp mới của Tunisia chỉ dành cho Tổng thống một số quyền lực hạn chế, tuy nhiên việc bầu trực tiếp chức vụ này mang lại cho vị tân tổng thống một uy tín chính trị quan trọng. Thêm vào đó, tân tổng thống Tunisia có quyền giải tán Quốc hội, nếu các đảng phái chính trị không hình thành được một đa số, cho phép lập chính phủ mới./.