Nhà vua thường xuyên đến thăm đồng, động viên bà con nông dân tăng gia sản xuất.
Từ đó Lễ Nhà vua xuống đồng (Vua đi cày) đã hình thành và được duy trì cho đến hôm nay. Năm nay Lễ Nhà vua xuống đồng sẽ được tổ chức vào ngày 6/5 tại tỉnh Battambang.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết rõ năm hình thành lễ hội này và diễn ra như thế nào. Các nhà nghiên cứu của Campuchia chỉ biết nhiều triều đại trước đây Nhà vua luôn tổ chức lễ hội này vào cuối mùa nắng, đầu mùa mưa và duy trì cho đến hôm nay.
Về ý nghĩa của lễ hội này, Ngài Chun Ketana, Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức các ngày lễ lớn của Campuchia cho biết: "Lễ vua đi cày là lễ đánh dấu ngày đầu tiên nông dân trong cả nước bắt đầu mùa vụ mới. Trong buổi lễ Nhà vua cầu cho mưa thuận gió hòa trong các mùa vụ để phục vụ lĩnh vực nông nghiệp đạt năng suất và sản lượng cao".
Tham dự lễ hội này, ngoài Hoàng tộc còn có đại diện của lãnh đạo Thượng viện, Quốc Hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương. Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước. Đoàn rước bao giờ cũng đi từ rất sớm khi trời còn ửng hồng.
Trong đoàn gồm có: thầy cúng, đội trống, đội khèn, các cung nữ, hai đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng khiêng kiệu rước. Kiệu rước được trang trí sặc sỡ nhiều mầu sắc theo biểu tượng âm dương ngũ hành.
Đôi bò cày là bò của Hoàng tộc được nuôi và chăm sóc rất chu đáu tại Hoàng cung gọi là bò thiên có cả ách và gắn cây cày.
Tại buổi lễ đích thân Nhà vua hoặc đại diện Hoàng tộc đi cày, theo sau là các thành viên Hoàng tộc gánh hạt giống.
Đích thân Hoàng hậu hoặc đại diện Hoàng hậu gieo hát giống, cấy mạ theo sau cây cày. Tại buổi lễ, Hoàng tộc chuẩn bị sẵn 7 mâm đựng các loại: gạo, ngô, đỗ, vừng, nước, rượu và cỏ làm thức ăn cho bò thiên. Sau khi thực hiện xong nghi thức đi cày, Nhà vua sẽ thả bò ra để ăn các thức ăn kể trên.
Người dân Campuchia hiểu rằng nếu bò ăn thức ăn nào thì loại cây trồng năm đó sẽ trúng màa, nhưng nếu ăn cỏ thì ngành nông nghiệp sẽ có dịch hại và nếu bò uống rượu thì năm đó đất nước sẽ bất ổn.
Không biết việc phán đoán của Hoàng cung có đúng hay không nhưng ngành nông nghiệp và nông dân Campuchia rất quan tâm đến sự lựa chọn và ăn thức ăn đầu tiên của đôi bò thiên.
Anh Co Sol một nông dân ở huyện Preak Cho, tỉnh Kampong Cham cho biết, năm nào anh cũng đi xem lễ vua xuống đồng. Tham dự lễ hội này anh đặc biệt quan tâm đến việc chọn và ăn thức ăn của bò thiên; năm nào bò ăn thức ăn gì thì năm đó anh đầu tư sản xuất loại cây đó và luôn đạt năng suất cao.
Anh Co Sol cho biết thêm: "Tôi rất tin vì đây là truyền thống của người Campuchia. Lúc bò ăn mình phải chú ý nếu bò ăn lúa thì lúa trúng mùa, nếu ăn đỗ thì đỗ được mùa. Tuy nhiên trong quá trình trồng mình cũng phải biết chăm sóc cây trái của mình cho tốt, bón phân và tưới nước đầy đủ. Nếu mình chăm sóc không được tốt thì năng suất cũng không cao".
Kết thúc phần lễ, Ban tổ chức chuyển sang phần hội. Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người dân như: Múa khăn, múa gậy, hát đối. Các trò chơi dân gian cũng được tổ chức trong ngày hôm đó.
Có những năm Ban tổ chức còn tổ chức Hội chợ triển lãm trưng bài giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp ngày càng phát triển của đất nước chùa tháp./.