Hàng chục người tham gia biểu tình ở Pháp đã bị bắt giữ và điều tra do có các hành động bạo lực nhằm vào lực lượng an ninh ngày 28 và rạng sáng 29/4. 

Sáng 29/4, cảnh sát Pháp tuyên bố bắt giữ thêm 24 người nghi đã ném chai lọ, đất đá vào cảnh sát. Số này thêm vào 21 đối tượng đã bị bắt giữ trong ngày 28/4, khi gây bạo động trong các đoàn tuần hành phản đối luật lao động tại Paris; dẫn đến đụng độ giữa khoảng “300 kẻ phá rối” với cảnh sát Pháp. 

4928_gzoi.jpg
Những người biểu tình ở Lyon, Pháp. (ảnh: Getty).

Cánh sát Pháp nhận định có những nhóm "phá rối có tổ chức" gồm khoảng 300 tên tiến hành những hành động bạo lực khó lường nhằm vào các lực lượng an ninh. Bọn chúng ném chai lọ, đất đá và thậm chí cả mảng bê tông lớn về phía cảnh sát.

Bộ trưởng nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết có 24 cảnh sát và hiến binh bị thương, trong đó ba người bị thương nặng. Ông Cazeneuve cũng tuyên bố đã có 124 đối tượng bị thẩm vấn và những kẻ phạm tội sẽ bị đưa ra xét xử. Bộ trưởng nội vụ Pháp cũng kêu gọi những người tổ chức tuần hành giám sát và phản đối các hành động bạo lực.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã kịch liệt lên án các hành động bạo lực – mà ông cho rằng bị kích động bởi một nhóm nhỏ vô trách nhiệm. Còn Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thì kêu gọi các hành động biểu tình, tuần hành phải diễn ra một cách hòa bình.

Vào khoảng 1h30 sáng 29/4, cảnh sát Pháp phải giải tán hàng trăm người từ chối di chuyển khỏi Quảng trường Cộng hòa – trong phong trào “Trắng đêm” nhằm phản đối luật lao động. Theo quy định, những người theo phong trào này chỉ được tụ tập cho tới nửa đêm.

Không chỉ ở Paris, bạo động đã xảy ra trong các đoàn tuần hành tại nhiều tỉnh, thành phố khác như Nantes, Rennes, Lyon… Tại Toulouse, hai cảnh sát đã bị thương nhẹ ở đầu. Tại Rennes, ít nhất ba cảnh sát bị thương và một sinh viên bị thương nặng ở mắt khi tham gia tuần hành.

Ngày 28/4 là ngày tuần hành lớn với sự tham gia theo các cơ quan chức năng là khoảng 170.000 người biểu tình trên toàn nước Pháp, trong đó khoảng 14.000-15.000 tại thủ đô Paris. Trong khi đó, con số của Tổng công đoàn Pháp CGT lên tới 500.000 người trên toàn nước Pháp, trong đó 60.000 tại Paris.

Những tổ chức biểu tình lên kế hoạch các hoạt động tuần hành lớn tiếp theo vào ngày chủ nhật 1/5 và thứ ba 3/5. Yêu cầu của người biểu tình vẫn chủ yếu nhằm phản đối luật lao động, cho rằng luật này có những điều khoản cải cách ưu ái cho giới chủ, trong khi bất lợi cho người lao động, đặc biệt là giới trẻ.

Những người biểu tình thậm chí còn đặt mục tiêu đưa ngày 3/5 là mốc quan trọng để yêu cầu Quốc hội Pháp bãi bỏ dự luật do bộ trưởng lao động Myriam El Khomri đưa ra. Và họ tuyên bố sẽ còn tiến hành thêm các cuộc tuần hành lớn khác nếu luật không được bãi bỏ./.