Tờ báo tiếng Anh lớn nhất của Thái Lan, Bangkok Post có bài bình luận về vai trò của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà.
Trong đó đánh giá cao sự chuẩn bị cũng như đưa ra 4 mục tiêu chính mà Việt Nam sẽ có bao gồm:
Thứ nhất, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ. Trong vai trò nước chủ nhà, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội bàn bạc với các nhà lãnh đạo APEC để sự hợp tác giữa các thành viên hiệu quả hơn. Đặc biệt, Hội nghị phải xây dựng được nền móng phát triển bền vững, đồng bộ và công bằng.
Thứ hai, những nỗ lực giảm rào cản thương mại và tăng tự do hóa đầu tư cần phải tiếp tục khi APEC bước vào thập kỷ thứ tư. Đây vẫn là mục tiêu quan trọng vì có nhiều thách thức trong việc giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng thương mại điện tử và tự do hóa dịch vụ.
Thứ ba, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải tận dụng cơ hội này thúc đẩy thương mại song phương, mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi hiện nay, Việt Nam chưa được xem là nền kinh tế thị trường, dù là quốc gia trong ASEAN có quan hệ thương mại tự do lớn rộng nhất, với 16 nước khác trên thế giới.
Cuối cùng, Đà Nẵng được xem là cảng nổi tiếng nhất của Việt Nam, trong tương lai nơi này sẽ là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới. Trước đây vẫn còn hoài nghi liệu Việt Nam có là một phần Sáng kiến “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc, thì giờ đây vai trò của Việt Nam trong chiến lược kinh tế của Trung Quốc ngày một rõ ràng.
Cũng theo bài bình luận trên tờ Bangkok Post, ngoài hợp tác kinh tế, Hội nghị thượng đỉnh APEC cũng là cơ hội đặc biệt đối với Việt Nam.
Sự hiện diện tham dự Hội nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump là dịp để Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại đã mang lại những thành công và được quốc tế thừa nhận. Tại sự kiện này, dự kiến Tổng thống Trump sẽ nêu lên chiến lược thương mại của chính phủ Mỹ và chính sách chung đối với khu vực châu Á.
Việt Nam cũng sẽ sử dụng diễn đàn Hội nghị APEC để thúc đẩy Mỹ thể hiện rõ hơn về tự do hoá thương mại và đầu tư. Kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống, Mỹ đã có các tín hiệu hỗn hợp về cách thức tham gia các diễn đàn hợp tác kinh tế.
Việc Mỹ tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu là cú sốc lớn đối với chính sách tự do thương mại của Mỹ và tạo ra những dự đoán về xu hướng bảo hộ thương mại trong tương lai.
Thực tế, khi Hội nghị APEC sắp diễn ra, Mỹ đã gửi đi thông điệp quan điểm của ông Donald Trump muốn thương mại công bằng sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, chứ không phải muốn chống tự do thương mại hay toàn cầu hóa.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 quốc gia còn lại trong TPP, đang được thúc đẩy bởi Nhật Bản, New Zealand và Australia. Đến nay, 11 thành viên đã tổ chức một số cuộc họp cấp bộ thảo luận về tương lai TPP 11. Do vậy, Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố chung về cam kết tiếp tục với TPP 11 và mở ra cơ hội để Mỹ quay trở lại hiệp định thương mại này.
Bài viết kết luận, để đảm bảo kế hoạch tương lai lâu dài, bên lề Hội nghị APEC, Việt Nam sẽ tìm kiếm sự cam kết từ các thành viên TPP 11 về việc vẫn triển khai thỏa thuận thương mại ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ. Nhìn chung, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương nên được theo đuổi vì lợi ích lâu dài của khu vực.
Sự thành công của Hội nghị APEC sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines. Việt Nam đã sẵn sàng chuẩn bị cho vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, nhằm thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận, tăng cường vai trò trung tâm và quan hệ đối ngoại của ASEAN, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên cũ và mới vì một cộng đồng ASEAN./.Nhật Bản chúc Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC
Báo Nhật Bản ca ngợi thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới
Đại sứ Mỹ Ted Osius: APEC sẽ cho thấy sự năng động của Việt Nam