Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC) ra đời tháng 11/1989, từ ý tưởng của thủ tướng Australia lúc đó là Bob Hawke - kiến tạo một sự hợp tác kinh tế hữu hiệu hơn cho toàn vùng châu Á - Thái Bình Dương, bằng cách đề cao sự phát triển trong bình đẳng, đổi mới, ổn định và sáng tạo trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.

Cùng có lợi, đồng thuận, tự nguyện

Là một diễn đàn kinh tế mở, nhiệm vụ của APEC là đảm bảo sự thông thương xuyên biên giới một cách dễ dàng đối với mọi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và đi lại của mọi người. Hằng năm, người đứng đầu chính phủ của tất cả thành viên APEC sẽ gặp nhau một lần trong một kỳ họp thượng đỉnh được gọi là “Hội nghị Lãnh đạo APEC”, được tổ chức lần lượt tại mỗi nền kinh tế thành viên APEC.

asia_pacificeconomiccooperation14thseptember_1505378568534_44_qyrj.png
APEC là một diễn đàn kinh tế mở. (Ảnh: KT)

Nội dung hoạt động xoay quanh 3 trụ cột chính là tự do hoá thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh thuế quan hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Nguyên tắc hoạt động của APEC: cùng có lợi, đồng thuận, tự nguyện và phù hợp với nguyên tắc của WTO/GATT.

APEC ra đời trong bối cảnh sự gia tăng của quá trình toàn cầu hoá trên tất cả các lĩnh vực khiến các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng tính phụ thuộc lẫn nhau. Khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Á là những nền kinh tế năng động trên thế giới vào những năm 1980 có tốc độ tăng trưởng trung bình là 9-10%/năm, mặc dù vậy, chưa có hình thức hợp tác kinh tế thương mại có hiệu quả trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Sự điều chỉnh chiến lược của các quốc gia lớn vào cuối những năm 1980 khi chiến tranh lạnh chấm dứt, đặc biệt là sự hội tụ về lợi ích kinh tế cũng như chính trị giữa các nước lớn dẫn tới việc hình thành một cơ cấu kinh tế thương mại trong khu vực. Các nước ASEAN cũng muốn tăng cường tiếng nói để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng không muốn làm lu mờ những cơ chế hợp tác chính trị sẵn có.

12 nền kinh tế sáng lập APEC là Australia, Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Mỹ. Năm 1991, APEC có thêm thành viên các nền kinh tế là Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Năm 1993, APEC có thêm Mexico và Papua New Guinea. Rồi có thêm Chi Lê năm 1994; và Peru, Nga, Việt Nam năm 1998.

Hiện nay, APEC có 21 thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới.

APEC được đánh giá là diễn đàn ươm mầm cho nhiều nền kinh tế phát triển. Nhiều nền kinh tế khác đã chính thức xin làm thành viên như Ấn Độ, Pakistan, Ma Cao, Colombia, Srilanka, Equado và Costa Rica…

Các hoạt động của APEC tuân thủ nguyên tắc đồng thuận, với các quyết định không mang tính chất ràng buộc đối với các thành viên. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu sắc, chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa phi truyền thống đang đặt ra những thách thức mới cho môi trường kinh doanh, đầu tư trong khu vực, APEC ngày càng quan tâm đến các vấn đề an ninh, chính trị, đẩy mạnh hợp tác về an ninh con người, chống tham nhũng, minh bạch hoá... Tuy nhiên, hầu hết các thành viên APEC vẫn cho rằng, cần phải duy trì bản chất hợp tác kinh tế cũng như những nguyên tắc cơ bản của diễn đàn này.

APEC cũng sẽ phải tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách theo hướng hiệu quả, năng động hơn và tăng cường tính liên kết nhằm vượt qua các thách thức, nắm bắt các cơ hội trong môi trường thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng.

Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực cho APEC

Việt Nam chính thức gia nhập APEC vào năm 1998 và đã trở thành một thành viên tích cực với nhiều đóng góp thiết thực cho APEC, trong đó phải kể đến việc đảm nhận thành công vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006. Trong vai trò này, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn với các văn kiện quan trọng trong tiến trình hợp tác APEC được thông qua như "Kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Busan và hướng tới hoàn thành các mục tiêu Bogor", hay "Tuyên bố về Chương trình nghị sự phát triển Doha của WTO".

Năm 2006, Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò chủ nhà APEC. (Ảnh: KT)

Dưới sự chủ trì của Việt Nam, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đạt đồng thuận, chính thức khẳng định việc hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương là một triển vọng dài hạn, phù hợp xu thế liên kết sâu rộng toàn khu vực.

Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017 trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới, tham gia đóng góp vào việc định hình các cơ chế hợp tác đa phương, không chỉ là một vinh dự mà còn là một trách nhiệm để chứng minh vị thế xứng đáng của Việt Nam giữa các nền kinh tế APEC.

Hội nghị Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang diễn ra khá phức tạp, những thách thức hiện nay đặt ra nhu cầu APEC cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng và tăng cường hợp tác, liên kết đáp ứng thiết thực hơn các quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Với tư cách là nước chủ nhà APEC-2017, Việt Nam còn có thêm trọng trách đưa ra không chỉ những đánh giá và dự báo chính xác mà còn cả những giải pháp cho những vấn đề cấp bách đó. Việc các thành viên ủng hộ Việt Nam đăng cai APEC lần thứ hai vào năm 2017 cũng thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của họ đối với Việt Nam.

Kiến tạo một APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu

Nhằm thể hiện chủ đề năm APEC 2017 và tiếp nối các ưu tiên của Peru - chủ nhà APEC 2016, Việt Nam đã lựa chọn 4 ưu tiên: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. An ninh lương thực gắn với “nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu.

Với tư cách là nước chủ nhà APEC-2017, Việt Nam còn có thêm trọng trách đưa ra không chỉ những đánh giá và dự báo chính xác mà còn cả những giải pháp cho những vấn đề cấp bách đó. 

Việc chọn ra chủ đề và 4 hướng ưu tiên lớn cho APEC 2017 nhằm kiến tạo một APEC vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu… đã nhận được sự nhất trí của các thành viên.

Chuẩn bị cho APEC 2017, Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ ba (SOM 3) vào tháng 8/2017 tại TP Hồ Chí Minh và các cuộc họp liên quan đã đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với những kết quả nổi bật. Các quan chức cao cấp đã thông qua ba văn bản định hướng trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành, gồm: khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới; bộ kinh nghiệm điển hình về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; khuôn khổ giám sát đối với Chương trình hành động Khung kết nối cung ứng (SCFAP II).

Hội thảo “Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội” - một sáng kiến của Việt Nam là lần đầu tiên trong APEC có một diễn đàn về phát triển bao trùm trên cả ba lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội; thể hiện sự hợp lực của APEC hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng APEC phát triển bền vững, bao trùm trong tương lai.

Là Diễn đàn phát triển năng động nhất trên thế giới, APEC ngày càng tỏ rõ sức sống mạnh mẽ sau gần ba thập niên tồn tại và phát triển, góp phần thúc đẩy mở cửa và hợp tác về kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương và hình thành cơ chế buôn bán mở toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Alan Bollard - Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, năm 2017 có nhiều thách thức như chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ… Tuy nhiên, APEC tổ chức tại Việt Nam đã và sẽ mang đến những kết quả cụ thể. Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, nhất là từ các nhóm, ủy ban… Việt Nam cố gắng để hiện thực hóa các Mục tiêu Bogor và cũng có những bước đi mạnh mẽ, trong đó tập trung vào những nội dung sẽ thực hiện sau năm 2020./.