Trưởng phái đoàn phe đối lập Syria tham gia các cuộc hòa đàm do Liên Hợp Quốc bảo trợ, ông Mohammed Alloush hôm qua (29/5) thông báo từ chức do thất bại của tiến trình đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ.

Quyết định của ông Alloush có thể làm phức tạp tiến trình đối thoại,  nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria, hủy hoại những bước tiến đang đạt được gần đây trong chiến dịch chống IS .

Việc trì hoãn chỉ định người đứng đầu mới của Ủy ban đàm phán cùng với sự lục đục trong nội bộ có thể ảnh hưởng đến tiến trình đối thoại đang diễn ra, đặc biệt khi tháng lễ Ramadan bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 6.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cuối tuần trước cho biết không có kế hoạch triệu tập một vòng đàm phán mới trong 2 hoặc 3 tuần tới.

Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power, ông Staffan de Mistura dường như đang mất dần kiên nhẫn: “Ông Staffan de Mistura tiếp tục thể hiện sự bất bình với những diễn biến tại Syria, trong đó có vấn đề tiếp cận nhân đạo, việc vi phạm lệnh ngừng bắn cũng như các bước tiến chính trị thực sự trong các cuộc đàm phán. Mỹ tất nhiên cũng chia sẻ những lo ngại này”

Bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chống IS đang đạt được những kết quả lớn.

Các tay súng người Kurd với sự ủng hộ của liên quân do Mỹ dẫn đầu đang thực hiện các chiến dịch đẩy lùi nhóm phiến quân này trên 3 mặt trận tại Iraq và Syria.

Trong một dấu hiệu tích cực mới khi Nga và Mỹ hôm qua tuyên bố đang xích lại gần hơn trong việc tiến hành chiến dịch chung chống IS tại Syria.

Việc Nga và Mỹ phối hợp sẽ tạo ra những hiệu quả nhất định cho cuộc chiến chống IS tại Syria. Ngoài ra, tuyên bố của Thủ tướng mới Thổ Nhĩ Kỳ Bilani Yildirim khi nhậm chức, khẳng định sẽ “thêm bạn, bớt thù”, cho thấy khả năng nước này có thể sẽ dịu bớt lập trường cứng rắn về Syria cũng như bình thường quan hệ với Iraq, Ai Cập, Israel và Nga./.