Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 200 triệu ca. Biến thể Delta đang trở thành biến chủng thống trị toàn cầu, làm đảo lộn mọi giả định về tình hình dịch bệnh, khiến nhiều nước phải nhanh chóng điều chỉnh lại các kịch bản, chiến lược ứng phó trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước đang trở nền trầm trọng hơn do tốc độ lây lan khó lường của biến thể Delta. Chỉ tính riêng tuần trước, số ca mắc biến thể này đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần trên toàn cầu. WHO mới đây cảnh báo, biến thể Delta sẽ lấn án tất cả các biến thể khác và trở thành biến thể gây bệnh chính trong những tháng tới.
Nhiều quốc gia tưởng chừng như đã kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh thì nay lại quay trở lại với những chuỗi ngày lo âu trước làn sóng lây nhiễm mới thậm chí còn nguy hiểm hơn trước rất nhiều. Đây cũng là nỗi lo chung ngay cả với những nước đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao. Sự xuất hiện của biến thể Delta rõ ràng đang đe dọa tới thành quả chống dịch của thế giới, khiến cả những quốc gia vốn được xem là hình mẫu về chống Covid-19 cũng phải ngay lập tức lên những phương án mới.
Dù đã có kế hoạch mở cửa trở lại cuộc sống bình thường sau khi kiểm soát cơ bản được tình hình dịch bệnh, song lo ngại sự nguy hiểm của biến thể Delta, Israel tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại, áp dụng chính sách "sống chung với Covid-19"- tức là vẫn áp đặt một số hạn chế nhưng tránh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn cản tác động về kinh tế. Singapore cũng chuẩn bị kịch bản "sống chung với Covid-19" kỹ càng. Vì coi Covid-19 là dịch bệnh đặc hiệu nên khi thực hiện kế hoạch dài hơi chống Covid-19, Singapore tỏ ra linh hoạt, kịp thời điều chỉnh quyết định chiến lược để phù hợp với thực tế, cân nhắc cả ba yếu tố: chính trị, kinh tế và khoa học. Quốc đảo sư tử này tập trung vào các biện pháp hạn chế số ca nhập viện, số ca bệnh nặng và số ca tử vong thay vì khống chế các ca nhiễm mới.
Nước Anh, dù tỉ lệ tiêm chủng khá cao, nhưng cũng bắt đầu 1 chiến lược mới chống đại dịch, khuyến khích tiếp tục tiêm chủng vaccine, với hy vọng vaccine sẽ là chìa khóa giúp nước Anh kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đồng thời mở cửa kinh tế. Cùng với xét nghiệm diện rộng, áp đặt trở lại các biện pháp phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây nhiễm, đặc biệt để đối phó với biến chủng Delta, một số nước trong đó có Israel, Mỹ, Anh đều đang cân nhắc việc tiêm vaccine mũi thứ 3 để tăng cường miễn dịch. Pháp và Đức vừa thông báo sẽ tiêm mũi thứ 3 bắt đầu từ ngày 1/9.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa cảnh báo, sự chênh lệch nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 giữa các nước giàu có với các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn đang mức đáng báo động. Khoảng 75% tổng số liều vaccine, tương đương hơn 3,5 tỷ liều, đã được tiêm ở 10 quốc gia, trong khi chỉ 1% người dân ở các nước nghèo hơn được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Vì vậy, ông Ghebreyesus kêu gọi: "Chúng tôi cần đảo ngược khẩn cấp, tức là phần lớn vaccinen được chuyển đến các nước thu nhập cao nên được chuyển sang cho các nước thu nhập thấp. WHO đang kêu gọi ngừng mũi tiêm tăng cường cho đến ít nhất là cuối tháng 9/2021 để cho phép ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia đều được tiêm chủng".
Theo giới chức WHO, thế giới chỉ có thể đẩy lùi đại dịch khi chia sẻ vaccine một cách công bằng trên toàn cầu. Đây là vũ khí mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch và nó đang nằm trong tay chúng ta, nếu biết vận dụng một cách hiệu quả. WHO đang hối thúc các nỗ lực toàn cầu hướng tới mục tiêu tất cả các quốc gia trên thế giới có thể tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số vào giữa năm 2022./.