Ngày 5/5, Trung Quốc tuyên bố phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh 5B, đánh dấu việc nước này chính thức bước vào giai đoạn 3 của Chương trình đưa người vào vũ trụ, tức xây dựng phòng thí nghiệm vĩnh viễn trong không gian.
Vào 18h chiều 5/5 (giờ địa phương), tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã được phóng thành công vào quỹ đạo trong lần phóng đầu tiên tại Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương, tỉnh Hải Nam.
Với chiều dài 53,7m, trọng lượng phóng 849 tấn và năng lực vận tải trên 22 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, đây là tên lửa đẩy quỹ đạo thấp lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.
Khi phóng lên, tên lửa này đã mang theo một phi thuyền chở người thử nghiệm thế hệ mới và một khoang hàng hóa hồi quyển thử nghiệm. Trước đó, chỉ trong vòng 24 ngày, từ 16/3 đến 19/4, Trung Quốc đã có hai lần liên tiếp thất bại khi phóng tên lửa Trường Chinh 7A và 3B, do vậy việc phóng thành công tên lửa Trường Chinh 5B mang ý nghĩa quan trọng đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc tuyên bố sự thành công này giúp "đặt nền móng quan trọng cho việc xây dựng trạm không gian" của nước này, đánh dấu việc Trung Quốc chính thức bước vào giai đoạn 3 trong Chương trình đưa người vào vũ trụ.
Được biết, chương trình này gồm 3 bước: bước 1 là đưa người vào vũ trụ; bước 2 là tiếp tục đột phá những công nghệ cơ bản trong việc đưa người vào vũ trụ và bước 3 là thiết lập phòng thí nghiệm không gian vĩnh viễn hay trạm không gian.
Dự kiến, module lõi của trạm không gian sẽ được tên lửa đẩy Trường Chinh 5B phóng lên quỹ đạo vào năm nay.
Sau khi bước thứ 3 hoàn tất, các nhà du hành và khoa học Trung Quốc sẽ có thể tiến hành các hoạt động thực nghiệm thường xuyên trong không gian, tạo nền tảng cho nước này sử dụng và khai thác tài nguyên trong vũ trụ./.