So với phiên bản trước, kế hoạch đã được điểu chỉnh đáng kể về các trường hợp chẩn đoán, tiêu chuẩn điều trị, đưa khỏi diện quản lý cách ly và tiêu chuẩn xuất viện cũng như điều chỉnh thời gian theo dõi y tế sau khi xuất viện.
Các quan chức Trung Quốc luôn tính riêng các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng và trường hợp xác nhận, tuy nhiên, trong phiên bản mới của kế hoạch không đề cập đến các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng.
Về tiêu chuẩn tiếp nhận điều trị, phiên bản mới chỉ yêu cầu quản lý cách ly tập trung đối với các bệnh nhẹ, không bắt buộc điều trị tập trung trong các bệnh viện chỉ định.
Kế hoạch mới cũng điều chỉnh loại bỏ việc quản lý cách ly và tiêu chuẩn xuất viện, theo đó, sau khi người nhiễm bệnh được đưa ra khỏi diện quản lý hoặc xuất viện chỉ cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian 7 ngày. Điều này không chỉ rút ngắn thời gian mà còn giảm cường độ giám sát.
Ngoài ra, thuốc điều trị Covid-19 Pfizer Paxlovid của Mỹ cũng được đưa vào kế hoạch chẩn đoán và điều trị. Cơ quan quản lý Dược phẩm Trung Quốc đã ban hành phê duyệt khẩn cấp có điều kiện cho việc đăng ký nhập khẩu loại thuốc này vào tháng trước, cũng được coi là một tín hiệu quan trọng cho thấy việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của nước này.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sau khi điều chỉnh phương án chẩn đoán và điều trị, nguồn lực y tế cho các ca bệnh nhẹ sẽ giảm. Kết hợp với việc chính thức mở bán thuốc thử tự xét nghiệm kháng nguyên trong tuần này, việc tự xét nghiệm và điều trị tại nhà có thể được thực hiện với các ca bệnh nhẹ, giúp giảm gánh nặng cho bệnh viện cũng như nguồn lực y tế. Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian theo dõi sức khỏe sau khi xuất viện cũng sẽ giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh đối với cuộc sống của người dân.
Hôm qua (16/3), Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo, kể từ đầu tháng 3, Trung Quốc đại lục đã có hơn 15.000 ca mắc Covid-19 cục bộ, ảnh hưởng đến 28 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Riêng trong ngày 15/3, có 3.507 ca mắc Covid-19 mới, phá vỡ mức cao kỷ lục kể từ đợt dịch bệnh đầu tiên vào năm 2020./.