Với số ca Covid-19 chiếm tới hơn 1/3 tổng số ca bệnh trong đợt bùng phát dịch cộng đồng mới nhất ở Trung Quốc, thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này đến nay đã phải tiến hành xét nghiệm đại trà tới 10 lần để rà soát các trường hợp mắc bệnh.
Xét nghiệm đại trà để truy tìm ca bệnh Covid-19 đến nay vẫn được coi là một biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn dịch bùng phát trong cộng đồng ở Trung Quốc.
Trong đợt dịch mới nhất xảy ra ở tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này với hai ổ dịch lớn là Nam Kinh và Dương Châu, biện pháp này tiếp tục phát huy hiệu quả. Sau gần 1 tháng bùng phát dịch, tính đến hết ngày 17/8, Nam Kinh đã có 5 ngày không có thêm ca Covid-19 mới trong cộng đồng. Thành phố này phát hiện ca bệnh đầu tiên do biến thể Delta hôm 20/7.
Thành phố Dương Châu vẫn có thêm 6 ca Covid-19 mới trong ngày 17/8 và hiện có hơn 560 ca bệnh, chiếm gần 70% số ca bệnh cộng đồng ở tỉnh Giang Tô và hơn 1/3 của Trung Quốc trong đợt bùng phát mới. Thành phố này phát hiện ca bệnh đầu tiên ngày 28/7.
Là 2 vùng dịch cộng đồng trọng điểm ở Trung Quốc, Nam Kinh đã tiến hành 6 đợt xét nghiệm đại trà với quy mô dần được thu hẹp từ khoảng 8-9 triệu dân xuống gần 3 triệu người trong lần xét nghiệm cuối.
Trong khi đó, thành phố Dương Châu với các trường hợp siêu lây nhiễm ở quán mạt chược và điểm xét nghiệm, số ca bệnh mới trong ngày luôn tăng trên 20 trường hợp suốt 14 ngày liên tiếp. Điều này đã khiến Dương Châu phải tiến hành xét nghiệm đại trà tới 10 lần với lần cuối thực hiện hôm 16/8.
Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm rưỡi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nước này phải tiến hành xét nghiệm quy mô lớn tới 10 lần để truy tìm các ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng.
Được biết, đợt bùng phát mới từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh do biến thể Delta, được đánh giá là đợt dịch cộng đồng nghiêm trọng và lan rộng nhất ở Trung Quốc sau Vũ Hán. Đến này, nước này đã ghi nhận khoảng 1.300 ca Covid-19 trong đợt dịch này. Theo dự đoán của chuyên gia Trung Quốc, đợt dịch bùng phát từ ngày 20/7 này có thể được kiểm soát hoàn toàn vào cuối tháng 8.
Trong khi đó, chính phủ Thái Lan đã bảo vệ việc sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc và kế hoạch mua thêm 12 triệu liều để chống lại biến thể Delta sau khi nghiên cứu gần đây nhất về những người được tiêm hai liều Sinovac cho thấy kết quả khả quan.
Tại cuộc họp báo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ngày 17/8, các quan chức y tế nước này đã cung cấp thông tin cập nhật về việc Thái Lan tiếp tục sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc và hiệu quả của vaccine, trong bối cảnh chính phủ nước này mới công bố kế hoạch mua bổ sung 12 triệu liều Sinovac.
Ông Chawetsan Namwat, quan chức thuộc Cục Kiểm soát Dịch bệnh cho biết, tất cả các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, bao gồm cả Sinovac, đều có khả năng giảm các triệu chứng nguy kịch và nguy cơ tử vong của bệnh nhân Covid-19, đây là trọng tâm hàng đầu của vaccine. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để cung cấp vaccine cho người dân càng nhanh càng tốt để kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng.
Bộ Y tế Công cộng Thái Lan vừa kết thúc nghiên cứu về hiệu quả của vaccine Covid-19 trên 3.901 nhân viên y tế trên toàn quốc đã được tiêm vaccine của Sinovac và AstraZeneca. Đối với vaccine Sinovac, kết quả cho thấy hiệu quả phòng bệnh trung bình là 72%, ngăn ngừa tình trạng nguy kịch và tử vong là 98%. Đối với vaccine AstraZeneca, hiệu quả phòng bệnh sau khi tiêm 1 liều là 88% và lên tới 96% sau hai liều với khoảng thời gian hơn 14 ngày.
Vừa qua, chính phủ Thái Lan đã phê duyệt mua bổ sung tổng số 32 triệu liều vaccine bao gồm 12 triệu liều Sinovac, 10 triệu liều Pfizer và 10 triệu liều khác. Số lượng 10 triệu liều khác sẽ được chính phủ Thái Lan quyết định dựa trên quá trình đàm phán để có thể xác định được loại vaccine nào có thể cung cấp nhanh nhất.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Thái Lan tiếp tục diễn biến phức tạp, hôm nay (18/8), giới chức y tế nước này đã ghi nhận mức kỷ lục 312 trường hợp tử vong do Covid-19 và thêm 20.515 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên gần 970.000 ca, trong đó có 8.285 người tử vong./.