Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 13/5 đưa tin, nước này chuẩn bị áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở những khu vực rộng lớn thuộc Biển Đông trong thời gian 2,5 tháng. Lệnh này sẽ có hiệu lực từ thứ Tư tới (16/5).Theo một quan chức ngành ngư nghiệp Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông sẽ được áp dụng ở cả bãi cạn Scarborough. Đây là khu vực đang chứng kiến cuộc tranh chấp quyết liệt và căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines.
Tàu ngư chính 310 và 2 tàu Hải giám đang trực tại bãi Scarborough sẵn sàng bắt bớ bất cứ tàu cá nào vi phạm lệnh cấm của Trung Quốc (Ảnh: Chinanews) |
Lệnh cấm đánh bắt cá lần này được Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng từ ngày 16/5 đến 1/8. Người đứng đầu Cục Quản lý Ngư nghiệp Trung Quốc cho biết, họ làm thế để bảo vệ hệ sinh thái và các nguồn lực ở Biển Đông.Lệnh cấm sẽ được áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước ngoài, trong đó có các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.
Bản tin trên Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và cá của những ngư dân vi phạm. Ngư dân Trung Quốc vi phạm sẽ bị phạt và bị tạm thu giấy cấp phép đánh bắt cá.
Điều quan tâm trong lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông lần này của Trung Quốc là Bắc Kinh khuyến khích ngư dân tập trung đánh bắt cá trên vùng biển phụ cận quần đảo Trường Sa.
Lệnh cấm đánh cá trên biển Đông tập trung vào bãi Scarborough thực sự là một mũi tên bắn trúng 2 đích. Một mặt nó tạo điều kiện và giục tàu cá Trung Quốc tăng cường xuống phía Nam gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để đánh bắt, mặt khác tạo cớ cho các tàu "công vụ" Trung Quốc bắt bớ tàu cá Philippines trên bãi Scarborough và từng bước khẳng định sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp với Philippines.
Động thái này cũng có thể là cái cớ để Trung Quốc bắt bớ tàu cá các nước hoạt động đánh bắt trên vùng biển có tranh chấp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời gia tăng tần suất hiện diện sự kiểm soát của nhà nước Trung Quốc đối với khu vực này, về lâu dài rất có lợi cho Bắc Kinh khi đàm phán giải quyết tranh chấp.
Trong cuộc đối đầu mới nhất với Trung Quốc ở Biển Đông, Manila đang tìm cách quốc tế hóa cuộc tranh chấp này. Tuy nhiên, Bắc Kinh kiên quyết phản đối.
Ngày 13/5, tờ Tân Hoa xã đã có bài viết nói rằng, việc Manila đưa cuộc tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh ra tòa án quốc tế không phải là một giải pháp.
Trước đó, theo TTXVN,mạng Ngư nghiệp Trung Quốc ngày 17/1/2012, cũng đã đăng tải Thông báo số 01 (12/1/2012) về lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực biển Đông như trên, nhưng bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.
Vào ngày 20/1/2012, TTXVNdẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc và phản đối việc làm nói trên của Trung Quốc”./.