"Chính phủ Trung Quốc không thay đổi lập trường về việc bảo vệ động vật hoang dã và sẽ tiếp tục trừng trị nghiêm khắc các hành vi mua bán bất hợp pháp tê giác, hổ và các phụ phẩm từ các loài động vật này", Ding Xuedong, người đứng đầu Hội đồng Nhà nước khẳng định ngày 12/11.

trungquoccamsudungsungtegiac_pxms.jpg
Trước sức ép từ các tổ chức môi trường, chính phủ Trung Quốc tuyên bố tạm thời khôi phục lệnh cấm sử dụng sừng tê giác và xương hổ trong y học. Ảnh: Getty

Các nhà bảo vệ môi trường đều chào đón sự thay đổi này dù một số người lo ngại động thái này chỉ là tạm thời.

"Cấm buôn bán và sử dụng các sản phẩm này là cách duy nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ sự tồn tại trong tương lai của các loài động vật đang ngày càng suy giảm về số lượng", Gilbert M. Sape - một thành viên trong tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới có trụ sở tại London nhận định.

Quyết định hồi tháng 10/2018 của Trung Quốc khi cho phép sử dụng các bộ phận của tê giác và hổ trong y học đã hủy hoại những nỗ lực xây dựng hình ảnh một quốc gia đi đầu trong bảo vệ môi trường và gây nên phản ứng dữ dội từ các nhà bảo vệ quyền động vật. Các nhà hoạt động này cho rằng quyết định của Trung Quốc là bước lùi đáng kể cho những nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã khi chỉ còn chưa tới 30.000 con tê giác và 3.900 con hổ trong tự nhiên.

Tuy nhiên, sau quyết định mới được thông báo ngày 12/11, các nhà bảo vệ môi trường nhận định chính phủ Trung Quốc đã giúp làm giảm những lo ngại này.

"Động thái này giúp duy trì vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong việc ứng phó với hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và làm giảm nhu cầu của thị trường này", Margaret Kinnaird hiện làm việc tại Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) tại Washington khẳng định.

Để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây đã nỗ lực xây dựng hình ảnh như một quốc gia có trách nhiệm với môi trường. Trung Quốc thông báo cấm hoạt động buôn bán ngà voi vào năm 2016 và các quan chức nước này gần đây cũng đã trừng trị thẳng tay các vụ buôn bán các loài động vật đang gặp nguy hiểm như tê tê.

Các nhà bảo vệ động vật hoang dã cho rằng quyết định trước đó của chính phủ Trung Quốc khi dừng lệnh cấm sử dụng các bộ phận của tê giác và hổ là nhằm mục đích phát triển lĩnh vực y học cổ truyền của nước này. Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc thông báo quốc gia này cho phép sử dụng các bộ phận của các loài động vật trong "nghiên cứu y học hoặc để chữa bệnh", nhưng chỉ áp dụng với các bệnh viện và bác sĩ được cấp giấy phép và chỉ sử dụng tê giác và hổ nuôi nhốt, trừ nuôi nhốt ở vườn bách thú.

Các bộ phận của tê giác và hổ hiếm khi được sử dụng trong y học Trung Quốc ngày nay khi mà hầu hết các bác sĩ thích sử dụng các loại thảo dược hơn.

Các nhà bảo vệ môi trường đã thực hiện một chiến dịch mạnh mẽ trong vài tuần qua để thuyết phục các quan chức Trung Quốc thay đổi quyết định này. Cuối tháng 10/2018, không lâu sau khi quyết định sử dụng một số bộ phận của tê giác và hổ trong y học được thông báo, 9 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã gặp cơ quan quản lý rừng của chính phủ Trung Quốc để phản đối quyết định này./.