- Tư liệu cổ Trung Quốc ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
- Học giả Trung Quốc phân tích sự đuối lý của “Đường lưỡi bò”
- Biên tập viên Tân Hoa xã phản đối “thành phố Tam Sa”
- Học giả Trung Quốc: “Đường Lưỡi bò” sẽ tự biến mất!
- Học giả Trung Quốc bác bỏ “đường lưỡi bò”
Các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc như Sina, Ifeng, Stockstar tường trình việc Việt Nam tìm thấy bản đồ thời nhà Thanh của Trung Quốc, chứng minh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Nhiều báo khác của Trung Quốc sau đó đăng tải lại thông tin này.
Bản tin của đài Phượng Hoàng (Ifeng) tường thuật quang cảnh buổi lễ trao bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 của tiến sĩ Mai Ngọc Hồng trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Ifeng dẫn nguyên văn lời tiến sĩ Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán - Nôm, về giá trị lịch sử và nội dung không thể chối cãi của bản đồ do chính Trung Quốc thực hiện.
Hình ảnh tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" đăng trên trang tin tức quân sự của Sina (ảnh: Sina) |
Tờ Stockstar và trang tin quân sự của Sina giới thiệu tỉ mỉ về kích thước, lai lịch của tấm bản đồ, nói rõ bản đồ này xác định đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc, có nghĩa là các quần đảo ở Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Hoa.
Bài báo cũng diễn giải đầy đủ các nghiên cứu và phân tích của tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay bản đồ "có yếu tố mới về mặt pháp lý". Đây là bản đồ được Trung Quốc vẽ theo phương thức hiện đại của phương Tây, khác với cách vẽ theo cách riêng trước kia, có ghi rõ tọa độ, phù hợp với ngôn ngữ bản đồ hiện nay.
Đặc biệt, Stockstar dùng tên gọi theo cách của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi truyền thông Trung Quốc hiếm khi công bố với người dân về cách gọi nào khác ngoài tên gọi mà nước này đặt ra.
Chỉ trong chưa đầy hai ngày đăng thông tin về tấm bản đồ này, các video về chủ đề này của Ifeng và Sina đưa lên trang web đã thu hút gần nửa triệu lượt xem, còn bản tin phát sóng trên truyền hình và các trang tin khác đưa lại còn thu hút thêm nhiều người xem khác nữa.
Đây là sự kiện đáng chú ý trong bối cảnh tình hình tranh chấp trên biển của Trung Quốc với các nước láng giềng ngày một nóng. Nước này có có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei trên Biển Đông và với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Trong khi một bộ phận người dân Trung Quốc luôn tin rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ, thì một bộ phận truyền thông nước này cũng đã đăng tải các ý kiến nhiều chiều, như thông tin về bản đồ 1904 này của nhà Thanh, hoặc quan điểm không công nhận "đường lưỡi bò" như của học giả Lý Lệnh Hoa./.