Ông Vương Nghị cho rằng quân đội nước ngoài nên rút khỏi Afghanistan một cách có trật tự và trách nhiệm, tránh các hành động vội vàng có thể tác động tiêu cực và gây rối loạn nghiêm trọng tiến trình hòa bình hòa giải ở Afghanistan.
Ông Vương Nghị đưa ra ba đề xuất của phía Trung Quốc: Thứ nhất, tiến trình hòa bình và hòa giải ở Afghanistan nên thực hiện theo nguyên tắc “do người Afghanistan chủ đạo và thuộc về người Afghanistan”. Thứ hai, thúc đẩy Afghanistan hình thành một dàn xếp chính trị rộng rãi và bao trùm, đảm bảo tất cả các dân tộc, phe phái ở Afghanistan đều có thể tham gia vào đời sống chính trị của nước này trong tương lai và được hưởng các quyền chính trị bình đẳng. Thứ ba, cấu trúc quản trị quốc gia trong tương lai của Afghanistan cần phù hợp với tình hình quốc gia đặc thù và nhu cầu phát triển của nước này, không sao chép dập khuôn mô hình nước ngoài.
Ông Vương Nghị mong muốn chính phủ Afghanistan trong tương lai theo đuổi chính sách Hồi giáo ôn hòa và tránh khuynh hướng cực đoan; chống lại mọi hình thức khủng bố và không để các lực lượng khủng bố trỗi dậy ở Afghanistan; phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước xung quanh và trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.
Ông Vương Nghị kêu gọi các quốc gia Trung Á với vai trò là các nước láng giềng gần gũi của Afghanistan và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đóng góp xứng đáng vào việc giải quyết vấn đề Afghanistan và sự ổn định lâu dài của quốc gia này.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng chỉ trích, việc Mỹ bất ngờ tuyên bố rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan là nguyên nhân dẫn đến các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra ở quốc gia này và khiến tình hình an ninh tại đây trở nên căng thẳng.
Theo giới quan sát, việc Bắc Kinh đưa ra chỉ trích xuất phát từ lo lắng khi Mỹ rút quân sẽ tạo ra khoảng trống an ninh, dẫn đến các lực lượng vũ trang Hồi giáo không chỉ hoạt động mạnh ở Afghanistan, mà còn có thể lan đến khu vực Tân Cương - nơi phần lớn người dân theo đạo Hồi, trong khi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào khu vực này là nỗi lo sợ thường trực của Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Mỹ rút quân cũng gây rủi ro bùng phát nội chiến tại Afghanistan, ảnh hưởng tới các dự án “Vành đai và Con đường”, cũng như Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Khi Washington tuyên bố rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, từng có thông tin cho rằng Bắc Kinh đang xem xét đưa lực lượng vào Afghanistan dưới hình thức gìn giữ hòa bình.
Tuy nhiên, việc hiện diện quân sự tại Afghanistan có thể rất tốn kém và là một rủi ro lớn cho Bắc Kinh. Các chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn chưa xem xét việc thay thế Mỹ tại Afghanistan./.