Số ca Covid-19 trong cộng đồng của Trung Quốc đang tiến gần tới mốc 3 con số khi có 94 ca mắc trong ngày 8/8, theo thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 9/8. Đáng chú ý, các trường hợp bản địa tăng mạnh ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nơi vừa hứng chịu trận mưa lũ lịch sử, với 40 ca.

Điều này cũng khiến Hà Nam trở thành địa phương có nhiều trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng nhất Trung Quốc trong ngày 8/8. Tiếp đó là Giang Tô với 38 ca, nơi có ổ dịch Nam Kinh và Dương Châu, tỉnh Hồ Nam 12 ca với ổ dịch Trương Gia Giới và Hồ Bắc 3 ca với 1 ổ dịch nhỏ ở Vũ Hán.

Cũng trong ngày 8/8, nhà chức trách thành phố Vũ Hán thông báo đã hoàn thành việc xét nghiệm Covid-19 cho hơn 11 triệu dân, ngoại trừ trẻ em dưới 6 tuổi và sinh viên đang nghỉ hè. Vũ Hán hiện có 29 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Giới chức thành phố cho biết họ đã nhanh chóng huy động hơn 28.000 nhân viên y tế cho hơn 2.800 địa điểm xét nghiệm để triển khai chiến dịch lấy mẫu trên toàn thành phố.

Trịnh Châu với 81 ca bệnh và 44 trường hợp không triệu chứng, đang phải tiến hành đợt xét nghiệm đại trà thứ 3 dự kiến sẽ kết thúc tối 9/8. Hơn 20.000 nhân viên y tế cũng đã được huy động để lấy mẫu cho hơn 10 triệu dân tại hơn 4000 điểm xét nghiệm.

Giới chức Trung Quốc cho biết phần lớn ca nhiễm trong đợt dịch này do biến thể Delta gây ra. Giao thông nội địa đang bị hạn chế nhằm ngăn dịch lây lan rộng hơn.

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã cấm người dân từ các vùng có dịch đến thành phố này. Ngoài việc dừng bán vé đường sắt cho những người đến từ các khu vực có nguy cơ vừa và cao hoặc có lịch sử đi lại ở các khu vực này trong vòng 14 ngày, Bắc Kinh cũng đã thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh đối với hành khách đường sắt và hạn chế đi ra ngoài từ thủ đô để tăng cường “hàng rào an toàn” chống lại dịch Covid-19.

Cư dân Bắc Kinh sống hoặc làm việc trong các đơn vị có các ca Covid-19 không được phép rời khỏi thành phố và những người từ những khu vực thực sự cần rời khỏi Bắc Kinh được yêu cầu có mã sức khỏe màu Xanh và phải có giấy xét nghiệm axit nucleic âm tính trong 48 giờ trước chuyến đi.

Trong khi đó tại Australia, cơ quan y tế của nước này vừa hoàn thành việc cập nhật hệ thống phần mềm đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm đối tượng là phụ nữ mang thai, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu được tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và thai nhi.

Hai tuần sau khi cơ quan y tế Australia thông báo cho phép phụ nữ đang mang thai được tiêm vaccine Covid-19, đến nay hệ thống phần mềm quản lý đăng ký tiêm vaccine đã được cập nhật và những người có nhu cầu đã có thể đăng ký trực tuyến để đặt lịch tiêm.

Sở dĩ cơ quan chức năng phải tiến hành cập nhật phần mềm quản lý tiêm chủng là do phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên tiêm vaccine của hãng Pfizer, trong khi đó Australia đang triển khai giai đoạn tiêm chủng 1b và hệ thống phần mềm hiện chỉ ưu tiên chấp nhận đặt lịch tiêm chủng cho những người đủ 40 tuổi trở lên.

Tháng 6 vừa qua, Nhóm Cố vấn tiêm chủng cho chính phủ Australia (ATAGI) và các chuyên gia y tế của trường Đại học Sản phụ khoa Hoàng gia Australia và New Zealand (RANZCOG) đưa ra cảnh báo rằng phụ nữ mang thai nếu mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn, đồng thời có thể gây biến chứng cho thai nhi. Dựa trên dữ liệu giám sát tiêm chủng trên toàn cầu, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine mRNA trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.

Theo dữ liệu cập nhật của Bộ Y tế Australia, tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 đang tiếp tục được đẩy nhanh. Tính đến hết ngày hôm qua (8/8), 13,6 triệu liều vaccine đã được sử dụng và chỉ trong 7 ngày gần đây đã có 1,3 triệu người được tiêm chủng. Đến nay, gần 44% người dân trên 16 tuổi đã được tiêm một mũi vaccine và gần 23% trong số này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Dự kiến đến cuối tháng 11 năm nay, 80% người dân trong độ tuổi từ 16 tuổi trở lên sẽ được tiêm đủ 2 mũi vaccine và sau thời điểm đó Australia sẽ dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước mở cửa biên giới quốc tế.

Australia hiện sử dụng 2 loại vaccine Covid-19 gồm AstraZeneca và Pfizer cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Dự kiến trong 2 tuần tới nước này sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của hãng Moderna nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng./.