Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố kết luận về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm rượu vang của Australia. Theo đó, nước này đã nhận thấy “mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá rượu vang Australia và thiệt hại thực chất đối với ngành sản xuất rượu vang của Trung Quốc”. Do vậy, các doanh nghiệp Australia sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 116,2%-218,4% và mức thuế chống trợ cấp 6,3%-6,4%.
Tuy nhiên, để tránh đánh thuế hai lần, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ chỉ đánh thuế chống bán phá đối với rượu vang của Australia. Mức thuế này sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 28/3 và kéo dài trong vòng 5 năm.
Hồi cuối tháng 11/2020, Trung Quốc từng quyết định áp mức thuế chống bán phá giá 107,1%-212,1% đối với rượu vang nhập khẩu của Australia.
Bên cạnh đó, từ tháng 1/2021, hơn 23.000 lít rượu vang Australia đã bị chặn lại ở các cảng Trung Quốc vì vấn đề nhãn mác. Dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, hơn 3.000 lít rượu vang từ công ty Penfolds và gần 20.000 lít từ nhà sản xuất Badger's Brook Estate của Australia đã bị chặn lại ở các cảng của nước này.
Động thái tăng thuế mới này được dự báo sẽ khiến căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang lên một mức mới, bởi sau khi mức thuế mới được áp dụng năm ngoái, giá trị xuất khẩu rượu vang Australia sang Trung Quốc đã giảm gần như bằng 0 trong tháng 12/2020.
Ngay trong ngày 26/3, theo truyền thông Australia, các nhà sản xuất rượu vang của nước này đã cho biết đang chuẩn bị kế hoạch kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước việc Bắc Kinh áp mức thuế nhập khẩu mới đối với rượu vang của Canberra.
Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của Australia. Từ năm 2008-2019, xuất khẩu rượu vang của Australia sang Trung Quốc đã tăng từ 73 triệu USD lên hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong tháng 11/2020, giá trị xuất khẩu rượu vang từ Australia sang Trung Quốc chỉ đạt 45,8 triệu USD, giảm mạnh so với con số 107 triệu USD vào cùng kỳ năm 2019.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã nảy sinh vấn đề từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh.
Trong năm nay, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19 và bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt gần đây Australia và New Zealand vừa ra Tuyên bố chung thể hiện sự ủng hộ các biện pháp mà Canada, Liên minh châu Âu, Anh và Mỹ công bố về tình hình Tân Cương./.