Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 4 sẽ diễn ra vào ngày mai (3/5) tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 2/5 đã có mặt tại Bắc Kinh để chuẩn bị cho cuộc gặp được cho là một trong những cơ chế đối thoại thường niên quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Uỷ viên quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Clinton và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner sẽ cùng chủ trì đối thoại. Ngoài ra, tham dự đối thoại còn có đại diện của hơn 20 bộ, ngành của mỗi nước.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung hồi tháng 5/2011 (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, theo các nhà bình luận phương Tây, các vấn đề như tình hình bán đảo Triều Tiên sau vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên, tình hình Syria hay việc Trung Quốc nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, an ninh hàng hải tại biển Đông, vấn đề nhân quyền… có thể sẽ được phía Mỹ đề cập đến trong khuôn khổ đối thoại chiến lược song phương lần này.
Trong khuôn khổ đối thoại kinh tế, hai bên sẽ thảo luận việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững và cân bằng, triển vọng chính sách tài chính và tiền tệ của mỗi nước, mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư, ổn định và cải cách thị trường tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cho biết, trong khuôn khổ đối thoại kinh tế lần này, hai bên sẽ tuyên bố tái khởi động đàm phán Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương.
Theo các chuyên gia, cùng với việc vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ ngày càng “giảm nhiệt”, vấn đề này có thể sẽ không còn là trọng tâm được hai bên bàn thảo như những cuộc đối thoại lần trước, mà thay vào đó là vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ được tổ chức lần đầu vào năm 2009 theo sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Obama. Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 3 được tổ chức vào tháng 5/2011 tại Washington, Mỹ. Tại cuộc đối thoại lần này, hai bên đã thảo luận các vấn đề thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, tăng cường giám sát tài chính, điều chỉnh kết cấu kinh tế…./.